Nhận biết các triệu chứng đau nửa đầu để khắc phục hiệu quả

Triệu chứng đau nửa đầu (còn gọi là đau đầu migraine) không chỉ là những cơn đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải dữ dội ma một số người có dấu hiệu báo trước về cơn đau sắp xảy ra. Những lần đau nửa đầu có thể kéo dài rất lâu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hằng ngày. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các biểu hiện của đau nửa đầu qua những thông tin dưới đây để quản lý cơn đau đầu này một cách hiệu quả nhé!

Triệu chứng đau nửa đầu đặc trưng là các cơn đau dữ dội như búa bổ vào một bên đầu, thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Các cơn đau đầu này có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí cả ngày. Một số trường hợp cơn đau có thể xảy ra ở cả hai bên đầu, thậm chí ảnh hưởng tới mặt hoặc cổ.

Một số dấu hiệu liên quan đến đau nửa đầu migraine khác bao gồm:

  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Tăng độ nhạy với ánh sáng và âm thanh
  • Đổ mồ hôi
  • Kém tập trung
  • Cảm thấy rất nóng hoặc rất lạnh
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy.

Không phải ai cũng gặp những triệu chứng này và một số người trải qua chúng nhưng lại không có cơn đau đầu thực sự.

Ở nhiều người, các cơn đau nửa đầu trải qua 4 giai đoạn: tiền triệu, hào quang, tấn công và hồi phục sau cơn đau. Cụ thể là:

Triệu chứng đau nửa đầu theo các giai đoạn

1. Giai đoạn tiền triệu (prodrome)

Trong một hoặc vài ngày trước cơn đau nửa đầu dữ dội, bạn có thể được “cảnh báo” bởi một số dấu hiệu như:

  • Táo bón
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, chẳng hạn từ trầm cảm sang hưng phấn
  • Thèm ăn
  • Cứng cổ
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Phù nề (giữ nước)
  • Thường xuyên ngáp.

2. Triệu chứng đau nửa đầu giai đoạn hào quang (aura)

Đối với 1/3 trường hợp đau nửa đầu, giai đoạn hào quang có thể xuất hiện trước hoặc trong cơn đau. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 5 phút hoặc kéo dài đến 60 phút. Hào quang bao gồm:

  • Rối loạn thị giác, nhìn thấy nhiều hình dạng khác nhau, điểm sáng hoặc tia sáng nhấp nháy
  • Mất thị lực
  • Tê hoặc cảm giác ngứa ran như kim châm, thường bắt đầu ở một tay và lan lên cánh tay, sau đó ảnh hưởng đến mặt, môi và lưỡi
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
  • Mất ý thức
  • Nói khó.

Một số người trải qua giai đoạn aura này, sau đó chỉ là đau đầu nhẹ hoặc hoàn toàn không đau đầu.

3. Triệu chứng đau nửa đầu ở giai đoạn tấn công (attack)

Cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ 4-72 giờ. Tần suất của các cơn đau này là khác nhau ở mỗi người, từ hiếm khi cho đến vài lần mỗi tháng. Trong cơn đau thường biểu hiện các triệu chứng như:

  • Đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, nhưng cũng có thể ở cả hai bên
  • Đau nhói đầu và đau giật từng cơn
  • Cực kỳ nhạy cảm với âm thanh lớn và ánh sáng chói
  • Buồn nôn, ói mửa.

4. Triệu chứng sau cơn đau (post-drome)

Một ngày sau khi cơn đau nửa đầu “tấn công”, người bệnh vẫn còn có thể trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức kéo dài hàng tuần liền. Nhưng một số bệnh nhân sẽ cảm thấy hưng phấn sau cơn đau nửa đầu.

Cử động đầu đột ngột có thể khiến cơn đau tái phát trong thời gian ngắn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Chứng đau nửa đầu thường không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu bạn thường xuyên có các dấu hiệu và triệu chứng đau nửa đầu kể trên, trước hết hãy ghi chú lại thời gian “tấn công” của các cơn đau và cách bạn làm giảm đau nửa đầu. Sau đó, đến khám bác sĩ và trao đổi với bác sĩ về các thông tin này.

Nếu bạn có tiền sử đau nửa đầu và cảm thấy những triệu chứng bất thường về cơn đau của mình, cũng cần nhanh chóng gặp bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu cảm báo nghiêm trọng:

  • Đau đầu đột ngột và dữ dội, có cảm giác như bị sét đánh.
  • Đau đầu kèm theo sốt, cứng cổ, co giật, lú lẫn, nhìn đôi, tê hoặc yếu ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nói lắp. Đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc viêm màng não.
  • Đau sau chấn thương đầu.
  • Đau đầu mãn tính và nặng hơn khi ho, làm việc gắng sức hoặc vận động đột ngột.
  • Đau nửa đầu xuất hiện sau tuổi 50.

Có thể bạn quan tâm: Khám phá những loại thuốc trị đau nửa đầu hiệu quả

Biến chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, biến chứng của nó cũng có một phần nhỏ liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe tâm thần như:

  • Chứng lo âu, phiền muộn
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Trầm cảm
  • Rối loạn hoảng sợ

Xác định các triệu chứng đau nửa đầu là chìa khóa để phát hiện và điều trị sớm, giúp giảm mức độ nghiêm trọng hay thậm chí ngăn ngừa chúng. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống.