Viêm họng nên ăn gì và kiêng gì để chóng khỏi bệnh?

Hãy cùng Hello Bác sĩ tìm hiểu các loại thực phẩm nên và không nên có trong thực đơn của người bị viêm họng trong bài viết sau.


Viêm họng nên ăn gì và uống gì?

Khi bị viêm họng, bạn nên ăn các thực phẩm mềm và dễ nuốt để hạn chế sự tác động lên cổ họng. Bên cạnh đó, các loại đồ ăn và đồ uống ấm cũng có thể giúp làm dịu cổ họng của bạn.

Một số thực phẩm bạn nên ăn khi bị viêm đau họng bao gồm:

– Mì ống

– Bột yến mạch ấm, ngũ cốc hoặc bột nấu chín

– Các món tráng miệng mềm như bánh mousse, panna cotta, pudding…

Sữa chua thường hoặc sữa chua với trái cây xay nhuyễn


– Rau nấu chín

– Sinh tố trái cây hoặc sinh tố rau củ

– Khoai tây nghiền

– Nước dùng và súp

– Sữa

– Nước trái cây, chẳng hạn như nước nho, táo, lựu…

– Trứng luộc hoặc trứng cuộn

Ăn và uống những thực phẩm này sẽ giúp bạn vừa giữ gìn được sức khỏe, vừa không gây khó chịu lên cổ họng đang bị đau của bạn.

Viêm họng nên kiêng ăn gì? Các loại đồ ăn thức uống bạn nên tránh

Bạn nên tránh những thực phẩm có thể gây kích thích lên cổ họng hoặc đồ ăn quá khô cứng và khó nuốt. Chúng có thể bao gồm:

– Bánh quy

– Bánh mì giòn

– Đồ ăn nhiều gia vị và nước sốt cay

– Soda

Cà phê


– Rượu

– Đồ ăn nhẹ dạng khô, chẳng hạn như khoai tây chiên, bỏng ngô…

– Rau củ chưa được nấu chín

– Các loại trái cây có tính axit, như cam, chanh, cà chua và bưởi

Ở một số người, sữa có thể làm chất nhầy cổ họng được sản xuất nhiều hơn. Điều này có thể làm nặng thêm chứng đau họng của bạn vì phải thường xuyên hắng giọng.

Làm thế nào để điều trị viêm họng?

Cách đầu tiên và hiệu quả nhất để giảm đau họng là súc miệng bằng nước muối ấm. Đổ khoảng một thìa súp muối vào 250ml nước ấm. Khuấy đều để muối tan trong nước. Sau đó, bạn hớp vài ngụm, ngửa đầu ra sau và súc miệng. Lưu ý, bạn không được nuốt.

Một số phương thuốc thảo dược dân gian có thể hữu ích trong việc điều trị viêm họng. Bạn có thể thử một số loại thuốc xịt họng thảo dược hoặc trà gừng mật ong, trà có chứa rễ cam thảo hoặc hoa kim ngân. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thảo dược, hãy chắc chắn rằng chúng không gây ra phản ứng phụ, dị ứng hoặc tương tác với các loại thuốc tây/thảo dược đang sử dụng khác.


Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì một loại thảo dược nào, đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai. Một số thảo dược có thể gây nguy hiểm khi sử dụng trong thai kỳ.

Bạn cũng có thể sử dụng các phương pháp trị viêm họng không kê đơn. Các loại viên ngậm trị viêm họng là một gợi ý hay cho bạn. Chúng không chỉ làm thuyên giảm cơn đau họng mà còn có hương vị thơm ngon dễ chịu. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng acetaminophen (Tylenol). Đây là một loại thuốc giảm đau có thể giúp làm dịu cơn đau họng của bạn. Trước khi dùng acetaminophen, hãy nhớ đọc hướng dẫn trên bao bì và sử dụng liều lượng thích hợp.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Nếu các phương pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả, bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra cổ họng của mình. Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng và dứt điểm tình trạng viêm họng.

Hầu hết các cơn đau họng có nguyên nhân do nhiễm virus (như cảm lạnh hoặc cúm) hoặc vi khuẩn (như viêm họng liên cầu khuẩn). Nếu bạn bị viêm họng do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.

Viêm họng cũng có thể xảy ra do các yếu tố môi trường như dị ứng theo mùa, hít phải khói thuốc lá hoặc thậm chí là do độ ẩm không khí thấp. Những người bị mắc chứng ngủ ngáy cũng có thể bị viêm họng.


Bạn cũng cần gặp bác sĩ nếu cơn đau họng trở nên tồi tệ, kéo dài hơn 1 tuần hoặc nếu bạn gặp các triệu chứng khác như:

Khó nuốt hoặc khó thở

– Sốt

– Phát ban

– Viêm tuyến

– Đau khớp hoặc các cơn đau bất thường không rõ lý do.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh | Tác giả: Dung Nguyen


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!