Triệu chứng nhiễm Covid-19 thường gặp ở người đã tiêm vaccine
Dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại. Thế nhưng, liệu các triệu chứng nhiễm Covid-19 ở người đã tiêm vaccine có khác với triệu chứng ở người chưa tiêm?
Hiện nay, việc tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa lây nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, hiệu quả bảo vệ của vaccine cũng không thể đạt đến 100%. Do đó, dù đã tiêm đủ liều vaccine thì bạn cũng cần nâng cao cảnh giác, thực hiện đúng quy tắc 5K của Bộ Y tế và chú ý quan sát phát hiện các dấu hiệu triệu chứng của cơ thể trong trường hợp bị nhiễm Covid-19.
Bài viết sau Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm thông tin về các triệu chứng nhiễm Covid-19 thường gặp ở người đã tiêm vaccine để phần nào bớt lo lắng cũng như sớm phát hiện các triệu chứng bệnh để hạn chế lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Bạn có thể bị nhiễm Covid-19 dù đã tiêm đủ liều vaccine?
Theo thông tin từ Cổng thông tin của Bộ Y tế về Đại dịch Covid-19 và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (CDC), cũng giống như các loại thuốc khác, hiệu quả bảo vệ của vaccine không thể đạt đến 100% mà chỉ dao động từ khoảng 75 đến 95% tùy từng loại vaccine.
Nguyên nhân là do ở một số trường hợp, cơ thể không tạo đủ kháng thể hoặc do tác dụng của vaccine chưa thể phát huy ngay mà cần thời gian để hệ miễn dịch sản sinh đủ lượng kháng thể chống lại virus.
Không những vậy, biến thể Delta hoặc các biến thể khác trong tương lai có nguy cơ lây lan nhanh và làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh dù đã tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, dù vậy, người đã tiêm vaccine thì nguy cơ nhiễm và tiến triển nặng của bệnh vẫn thấp hơn so với người chưa tiêm. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine có thể giúp giảm 8 lần nguy cơ nhiễm và giảm 25 lần nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.
5 triệu chứng nhiễm Covid-19 thường gặp ở người đã tiêm vaccine
Những trường hợp nhiễm Covid-19 sau tiêm vaccine thì đa phần bệnh chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình và ít khi bị nặng, kể cả với những người đang mắc các bệnh mãn tính.
Theo một nghiên cứu từ Vương quốc Anh, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nếu bị nhiễm Covid-19 thường sẽ có 5 triệu chứng là:
1. Đau đầu
2. Hắt hơi
3. Chảy nước mũi
4. Đau họng
5. Mất khứu giác và vị giác.
So với người chỉ mới tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm thì người bị nhiễm khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine sẽ ít bị sốt và ho dai dẳng hơn. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị hắt hơi nhiều. Ngoài ra, các triệu chứng cũng thường ít hơn và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, người đã tiêm vaccine bị nhiễm Covid-19 cũng có thể không có triệu chứng. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Y tế, vào tháng 6.2021, trong 53 nhân viên của Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 sau khi tiêm đủ liều vaccine thì có đến 52/53 người không có triệu chứng.
Chỉ có 1 trường hợp bị sốt nhẹ, kèm đau nhức mình rồi tự hết trong 1 ngày. Ngoài ra, xét nghiệm cho thấy phần lớn các ca bệnh này đều có tải lượng virus thấp.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy người bị nhiễm Covid-19 khi đã tiêm vaccine cũng ít khi bị khó thở. Nguyên nhân được cho là do việc tiêm vaccine đã giúp cơ thể tạo ra các kháng thể để vô hiệu hóa “virus” ngay ở giai đoạn đầu và khiến chúng không có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào đường hô hấp, phổi và gây ra các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, suy hô hấp.
Người đã tiêm vaccine Covid-19 bị nhiễm bệnh có lây sang cho người khác?
Người đã tiêm vaccine nếu bị nhiễm thì vẫn lan truyền virus sang người khác. Biến thể delta có khả năng lây lan nhanh gấp 2 lần so với chủng virus corona chủng mới ban đầu và có thể tích tụ nhanh trong đường hô hấp trên. Do đó, dù không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì người đã tiêm vaccine bị nhiễm vẫn có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Do đó, nếu có các triệu chứng bất thường kể trên, tốt nhất bạn vẫn nên đi xét nghiệm và tự cách ly trước khi có kết quả.
Ngoài ra, để tránh bị lây nhiễm thì dù đã tiêm vaccine Covid-19 đủ liều, bạn cũng cần nâng cao cảnh giác và tuân thủ nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch yếu như người bị nhiễm HIV, người mắc bệnh ung thư, người đã thực hiện ghép nội tạng thì nguy cơ bị nhiễm và tiến triển bệnh nặng sẽ cao hơn so với những người khỏe mạnh nên cần hết sức thận trọng.
Nhìn chung, dù hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể không đạt 100% nhưng việc tiêm vaccine đủ liều vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, kể cả khi biến thể Delta đang hoành hành “dữ dội” như hiện nay.
Tuy nhiên, việc chủng ngừa bằng vaccine không đồng nghĩa với hiệu quả bảo vệ tuyệt đối. Dù đã tiêm chủng đủ liều, bạn cần chú ý tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo để hạn chế tối đa lây nhiễm.
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn tham khảo