Toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM

Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng với số lượng ca mắc tăng nhanh mỗi ngày, Sở Y tế TP.HCM đã cung cấp hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người bệnh từ 18 tuổi trở lên.


Điều trị Covid-19 như thế nào? Người bị Covid-19 nên làm gì và uống thuốc gì? Bị nhiễm Covid-19 khi nào được cách ly tại nhà? Đây dường như là những câu hỏi đang được thảo luận nhiều nhất trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội trong những ngày gần đây khi dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn “bỏ túi” vài thông tin cơ bản về “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” cùng thông tin về toa thuốc điều trị Covid-19 do Sở Y tế TP.HCM ban hành.

Toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà có gì?

Trong phần đính kèm văn bản “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.3, Sở Y tế TP.HCM đã cung cấp hướng dẫn toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo đó, người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà cần có:

  • Các loại thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các loại thuốc y học cổ truyền)
  • Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống sử dụng theo chỉ định.

Hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người lớn:

1. Thuốc kháng virus Molnupiravir: Uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên, uống 5 ngày liên tục

Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả các bệnh nhân Covid-19. Đây là loại thuốc có kiểm soát, được cung cấp theo chương trình của Bộ Y tế. Sắp tới, TP.HCM sẽ cập nhật hướng dẫn sử dụng loại thuốc này.

2. Thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg: Uống 1 viên khi sốt trên 38 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 – 6 giờ nếu còn sốt.

3. Các loại vitamin (đa sinh tố, vitamin C): Uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Nếu có cảm giác khó thở hoặc đo SpO2 dưới 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hỗ trợ thì có thể uống thêm các loại thuốc sau:

4. Thuốc kháng viêm corticoid Dexamethasone 0,5mg: Uống 6mg/lần/ngày sau khi ăn (tốt nhất là vào buổi sáng)

Nếu không có Dexamethasone có thể dùng 1 trong các loại thuốc thay thế sau:

  • Methylprednisolone 16mg: Uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối)
  • Prednisolone 5mg: Uống 40mg/ngày sau khi ăn (tốt nhất là vào buổi sáng)

Lưu ý:

  • Người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày
  • Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày

5. Thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban 10mg: Uống ngày 1 lần sáng 1 viên

Hoặc nếu không có có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau:

  • Apixaban 2,5mg: Uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên
  • Dabigatran 110mg: Uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên

Lưu ý:

  • Thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông dạng uống chỉ sử dụng tối đa trong 7 ngày.
  • Toa thuốc chỉ sử dụng cho người 18 tuổi trở lên và thận trọng khi dùng cho người trên 80 tuổi.
  • Thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông dạng uống không sử dụng cho các trường hợp phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
  • Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…
  • Đối với người mắc bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng toa thuốc này.

Toa thuốc điều trị Covid-19 cần được thực hiện theo hướng dẫn

Thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông là 2 loại thuốc khi sử dụng cần hết sức thận trọng và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế bởi nếu dùng không đúng có thể:

  • Khiến bệnh lâu khỏi và có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch có hại mạnh hơnThuốc kháng viêm corticoid có tác dụng ức chế tác hại của hệ miễn dịch và điều này chỉ cần thiết khi bệnh trở nặng. Ở giai đoạn sớm (các triệu chứng nhẹ), lúc virus phát triển mạnh, nếu ức chế sẽ khiến virus sinh sôi mạnh hơn.
  • Gây ra nhiều tác dụng phụ: Thuốc kháng viêm corticoid có thể gây tăng đường huyết, tăng huyết áp, giữ muối nước… trong khi thuốc chống đông lại có nguy cơ gây loãng máu. Do đó, người mắc bệnh nền, người đang sử dụng thuốc kháng đông cần sử dụng theo hướng dẫn của nhân viên y tế (NVYT).

Đối với các loại thuốc trị ho, tiêu đờm… cũng cần thận trọng bởi nếu dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp hoặc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, táo bón…

Đối với thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol (hay acetaminophen) nếu không có triệu chứng thì cũng không cần phải dùng. Khi dùng, cần lưu ý không uống quá 3g/ngày và khoảng cách giữa mỗi lần uống tối thiểu 4 giờ.

Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà

Với những trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, ngoài việc dùng thuốc theo hướng dẫn kể trên thì F0 và người chăm sóc cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sau theo “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” của Sở Y tế TP.HCM:

  • Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống hoặc vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
  • Thường xuyên sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…
  • Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi có dấu hiệu cảm thấy sốt, khó thở.
  • Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe (nhịp thở, thân nhiệt, SpO2).
  • Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.
  • Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
  • Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài 1022, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức)
  • Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “Khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi cần.

Liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện khi có dấu hiệu chuyển nặng như:

  • Khó thở biểu hiện bằng việc thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút
  • Li bì, lừ đừ
  • Tím tái môi, đầu các chi
  • SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo tại nhà)

Đối với việc xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà:

  • Lấy máu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) cho người F0 vào ngày 14 để kết thúc thời gian cách ly.
  • Người ở cùng nhà với người F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19 cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát.

Điều kiện cách ly cho người F0 tại nhà

Người F0 hội đủ các điều kiện sau sẽ được cách ly tại nhà:

1. Không triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ:

  • Không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút
  • Dưới 50 tuổi
  • Không có bệnh nền
  • Không mang thai
  • Không béo phì

2. Có khả năng tự chăm sóc

  • Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…
  • Có máy đo SpO2 cá nhân để theo dõi thường xuyên liên tục
  • Có khả năng liên hệ với NVYT để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc.

3. Điều kiện cơ sở vật chất

  • Có phòng riêng dành cho người F0, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng.
  • Có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để liên hệ khi cần.
  • Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cần thiết
  • Có thùng rác cá nhân có nắp đậy và có túi rác đi kèm
  • Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt.
  • Có nước súc họng hoặc nước muối sinh lý 0,9%, khẩu trang y tế, nhiệt kế.

Nguồn tham khảo


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!