Theo các nghiên cứu mới đây, khi bạn còn trằn trọc mãi đến 12 giờ khuya thì ngoài nguyên nhân do mất ngủ, tin vui là bạn có thể có khả năng sáng tạo nhiều hơn vào ban đêm đấy!
Chứng mất ngủ thường được xem như một vấn đề không tốt cho sức khỏe. Nhưng với những người bị chứng mất ngủ thì việc mất ngủ không hẳn chỉ toàn mang đến những điều tệ hại. Bạn có thể có khả năng sáng tạo rất tốt trong khoảng thời gian còn thức mỗi đêm.
Giấc ngủ của những người có khả năng sáng tạo
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, não bộ ở những người mất ngủ có thể khai thác được những khả năng nhận thức vượt trội. Điều này có thể giúp hé lộ nhiều khả năng ẩn giấu bên trong mỗi cá nhân.
Khả năng sáng tạo vào ban đêm và tình trạng rối loạn giấc ngủ
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Canterbury (New Zealand) phát hiện thấy xảy ra nhiều tình trạng rối loạn giấc ngủ hơn ở những trẻ được cho là có khả năng sáng tạo. Điều này cho thấy việc thiếu ngủ có thể đưa đến “trạng thái dễ kích thích sự sáng tạo”. Các chuyên gia đặt giả thuyết sự sáng tạo ở đây là suy nghĩ đa chiều, tức là khả năng mở rộng tư duy theo nhiều chiều hướng khác nhau. Điều này thể hiện cả trong công việc lẫn các hoạt động thường ngày.
Các nhà khoa học đến từ Đại học Haifa (Israel) cũng nghiên cứu thấy các sinh viên học chuyên ngành nghệ thuật sáng tạo cũng trải qua giấc ngủ bị xáo trộn. Chức năng hoạt động ban ngày của họ cũng kém hơn so với các sinh viên học khối ngành khoa học tự nhiên.
Giai đoạn giấc ngủ REM ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo
Một số nhà khoa học tin rằng hiện tượng “thao thức” cũng có thể xuất phát từ việc gián đoạn giấc ngủ đột ngột khi não bộ ở vào trạng thái hoạt động mạnh mẽ nhất.
Khi ngủ, não bộ sẽ trải qua những giai đoạn giấc ngủ khác nhau. Cho đến nay, giai đoạn REM hay còn gọi là giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh được xem là giai đoạn não hoạt động tích cực nhất. Trong giai đoạn này, mắt sẽ chuyển động nhanh theo nhiều hướng khác nhau. Giai đoạn này thường xảy ra trong vòng 90 phút sau khi ngủ và tái diễn nhiều lần vào mỗi đêm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy số lần cơ thể trải qua giai đoạn REM mỗi đêm cũng có thể có tác động đáng kể đến chức năng học hỏi, ghi nhớ và khả năng tưởng tượng. Trong giai đoạn REM, sóng não sẽ bắt chước lại những hoạt động mà cơ thể đã trải qua trong lúc còn thức và chính trong giai đoạn này, các giấc mơ thường mãnh liệt và sống động nhất.
Các nghiên cứu về não bộ và hình ảnh từ Đại học Lubeck (Đức) phát hiện ra rằng ngay sau khi trải qua giai đoạn REM, phần não bên phải sáng hơn, cho thấy nó hoạt động nhiều hơn phần não trái. Não phải có liên quan với các hoạt động sáng tạo, sự tò mò và các ý tưởng về hình ảnh và thiên hướng nghệ thuật.
Margaret Thatcher, Bill Clinton, Charles Dickens, Marcel Proust, Madonna… là những nhân vật cực kỳ nổi tiếng và thành công mặc dù họ đều phải trải qua chứng mất ngủ.
Bí quyết giúp bạn phát huy khả năng sáng tạo
Để phát huy khả năng sáng tạo vào ban đêm, bạn nên lưu ý những điều sau đây để chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhé:
1. Bù đắp lại giấc ngủ
Khi bạn đã dành cả đêm để lên ý tưởng và làm việc thì cơ thể bạn rất cần thời gian để nghỉ ngơi sau đó. Nếu có thể thì bạn nên tranh thủ bù lại giấc ngủ vào buổi sáng hoặc một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. Việc ngủ ban ngày có thể gặp nhiều cản trở do đồng hồ sinh học của bạn khó thích nghi hoặc do có nhiều âm thanh tác động. Bạn có thể tắt đèn và kéo hết rèm lại, để cho cơ thể ở vào không gian y như buổi tối.
Bạn có thể tắt điện thoại để tránh bị làm phiền. Việc sử dụng mặt nạ ngủ hoặc đeo tai nghe cũng có thể khiến bạn an tâm đi vào trạng thái nghỉ ngơi hơn.
2. Luyện tập thể dục đều đặn
Bạn có thể tranh thủ tập thể dục vào bất cứ thời gian rảnh nào. Sau khi thực hiện những công việc sáng tạo vào ban đêm, cơ thể bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái uể oải và mệt mỏi. Do đó, bạn có thể lên lịch tập thể dục nhẹ trước khi bắt đầu vào công việc. Việc duy duy trì luyện tập hàng tuần sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng và duy trì tâm lý khỏe mạnh.
Nếu bạn quá bận rộn để thực hiện một bài tập dài hơi, những động tác vận động đơn giản vẫn rất có ích. Thay vì ngồi nhiều, bạn có thể đứng dậy, đi lại, hoạt động tay nhẹ nhàng…
3. Lựa chọn thức ăn vặt lành mạnh
Việc suy nghĩ ra những ý tưởng vào ban đêm có thể khiến bạn mệt mỏi và rơi vào cảm giác đói. Điều này dễ khiến bạn ăn đại thứ gì đó có trong tủ lạnh mà không để ý đến những rủi ro với sức khỏe có thể gặp phải. Việc uống nước ngọt hoặc các thức ăn lâu tiêu sẽ khiến bộ máy tiêu hóa của bạn hoạt động kém hiệu quả và có thể dẫn đến một số bệnh về tiêu hóa.
Bạn có thể ăn bánh quy, trứng hoặc sữa chua. Một số loại trái cây như dây tâu hoặc kiwi cũng giúp bạn có cảm giác nạp thêm năng lượng cho cơ thể.
4. Cắt giảm lượng caffeine
Thói quen uống cà phê có thể giúp cơ thể tỉnh táo nhưng rõ ràng đây không phải là một giải pháp hay khi bạn làm việc vào buổi tối. Nếu bạn không thể từ bỏ thói quen này thì bạn nên cố gắng cắt giảm lượng cà phê xuống càng ít càng tốt và chỉ nên uống vào buổi sáng hoặc buổi chiều thôi nhé.
Thay vì uống cà phê, bạn có thể chọn các loại thức uống giàu năng lượng khác như nước táo. Các loại sinh tố cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa và giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
5. Uống nhiều nước
Khi làm việc nhiều, cơ thể bạn dễ cảm thấy đói và khát cùng lúc. Tuy nhiên, không giống như đói, cảm giác khát thường dễ bị bỏ qua hơn. Bạn nên bổ sung lượng nước cần thiết để giúp cho cơ thể thải độc và tối ưu hóa việc giải độc tố cho các tế bào. Uống nước đầy đủ sẽ giúp cơ thể bạn bớt mệt mỏi và cải thiện được khả năng tập trung.
Ngoài việc uống nước trực tiếp, bạn có thể ăn thêm các loại trái cây như dưa, táo và cam có chứa nhiều nước. Thay vì uống trà, cà phê hay soda… bạn hãy để một chai nước lọc ngay trên bàn làm việc để nhắc bản thân uống nước đầy đủ nhé.
Bạn chỉ có 24 giờ mỗi ngày để cân bằng tất cả mọi thứ nên giấc ngủ là rất cần thiết để lấy lại năng lượng. Tuy nhiên, nếu bạn không thể đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng thì hãy dành khoảng thời gian đó cho công việc sáng tạo. Bạn có thể biến khoảng thời gian trằn trọc đó để nghĩ ra những ý tưởng rất thú vị trong công việc và cuộc sống đấy.