Hiệu quả và độ an toàn của vaccine Sinopharm Trung Quốc

Vaccine Sinopharm Trung Quốc là vaccine phòng Covid-19 sử dụng công nghệ bất hoạt đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp với hiệu quả bảo vệ lên đến 78,2%.

Trong đợt tiêm chủng tiếp theo, vaccine Sinopharm Trung Quốc hay vaccine Vero Cell, có thể sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi tại TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác. Bởi theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, chiều 31/7/2021, TP. HCM đã nhận được 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Công ty Sapharco mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND thành phố.

Hiện có rất nhiều băn khoăn, lo ngại về hiệu quả và độ an toàn của vaccine Sinopharm do đây là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây!

Vaccine Sinopharm: Vaccine phòng Covid-19 sử dụng công nghệ bất hoạt

Vaccine Vero Cell được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc). Loại vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 7/5/2021 và được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào ngày 3/6/2021.

  • Tên gọi chính thức: BBIBP-CorV
  • Công nghệ: Virus SARS-CoV-2 bất hoạt
  • Hiệu quả thử nghiệm: 65 – 86%
  • Số liều tiêm: 2 liều, mỗi liều cách nhau 3 – 4 tuần
  • Nơi chấp nhận cấp phép: 43 nước
  • Bảo quản: trong điều kiện tiêu chuẩn ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C với thời hạn sử dụng 2 năm.

Khác với vaccine ModernaPfizer sử dụng công nghệ mRNA (một phần mã di truyền của virus được tiêm vào cơ thể để huấn luyện tế bào cách tạo ra một protein tương tự như protein tìm thấy trong virus mầm bệnh, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch), vaccine Sinopharm sử dụng công nghệ có phần “truyền thống” hơn đó là công nghệ virus bất hoạt.

Nguyên tắc hoạt động của công nghệ này là sử dụng các phần tử virus SARS-CoV-2 đã chết (vật liệu di truyền đã bị phá hủy bởi hóa chất, bức xạ hoặc nhiệt và không còn khả năng nhân lên) để tiếp xúc với hệ miễn dịch nhằm tạo ra các kháng thể bảo vệ.

Công nghệ virus bất hoạt đã được dùng để sản xuất nhiều loại vaccine phổ biến trước đây như vaccine phòng bệnh dại, vaccine ngừa cúm, vaccine sởi, vaccine bại liệt…

Lợi thế chính của vaccine Sinopharm là không cần phải bảo quản ở nhiệt độ âm. Trong khi đó, các loại vaccine dùng công nghệ mRNA như vaccine Moderna cần được bảo quản ở mức -20 độ C, còn vaccine Pfizer là -70 độ C.

Hiệu quả và độ an toàn của vaccine Sinopharm

Hiện vaccine Sinopharm đã được cấp phép cho lưu hành ở 43 quốc gia. Theo ước tính, hơn 200 triệu liều vắc xin do Sinopharm sản xuất đã được tiêm trên toàn cầu, xếp sau AstraZeneca, Moderna và Pfizer-BioNTech về số lượng.

Hiệu quả của vaccine Sinopharm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia cho thấy tiêm đủ 2 liều vaccine Sinopharme cách nhau 21 ngày có hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%, không triệu chứng là 73,5%. Hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhập viện là 79%.

Tuy nhiên, không đủ dữ liệu để chứng minh hiệu quả chống lại bệnh diễn tiến nặng ở người đang mắc các bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai hoặc người từ 60 tuổi trở lên. Ngoài ra, hiệu quả của vaccine có thể khác nhau đối với các biến thể khác nhau.

Vaccine Sinopharm có an toàn không?

Dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả, nhóm SAGE (thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO) khuyến cáo vaccine Sinopharme sử dụng an toàn cho người từ 18 tuổi trở lên.

Với nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên thì dữ liệu về độ an toàn của vacccine Sinopharm vẫn còn hạn chế do chưa đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng. Vì vậy, việc sử dụng vaccine Sinopharm cho người cao tuổi cần được cân nhắc và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm cho các đối tượng đồng ý tiêm chủng.

Vaccine Sinopharm cũng không được khuyến cáo cho những trường hợp:

  • Từng bị dị ứng ở lần tiêm trước
  • Bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine
  • Người dưới 18 tuổi
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ: Bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng có thể cân nhắc chấp thuận cho bạn tiêm hay không nếu nhận thấy lợi ích lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn
  • Những người bị sốt hoặc nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5 độ C.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp sau cần trì hoãn việc tiêm chủng ngừa vaccine Sinopharm:

  • Mắc bệnh cấp hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được
  • Suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù
  • Có điều trị Coritcoid liều cao trong 14 ngày trước đó hoặc điều trị hóa trị, xạ trị
  • Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.

Lưu ý trước và trong khi tiêm

Cũng giống như các loại vaccine phòng Covid-19 khác, những người có bệnh lý mạn tính, bệnh lý nền đã được điều trị ổn định sàng lọc kỹ và cần được tiêm tại bệnh viện.

Sau khi chủng ngừa vaccine Covid-19, bạn không được tự ý ngừng dùng thuốc đang điều trị, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi đi tiêm cần đem theo toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được tư vấn cụ thể.

Đối với vaccine Sinopharm, người tiêm sẽ được tiêm mỗi liều 0,5ml vào bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 21 – 28 ngày. Nếu liều thứ 2 trì hoãn quá 4 tuần thì cần được tiêm sớm nhất có thể.

Hiện không có khuyến cáo tiêm phối hợp vaccine Sinopharm với các loại vaccine phòng Covid-19 khác. Ngoài ra, chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vaccine Sinopharm với vaccine phòng Covid-19 khác. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo cần tiêm đủ hai liều vaccine Sinopharm.

Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm

Theo báo cáo đánh giá của nhóm SAGE, sau khi tiêm 1.1 triệu liều BBIBP cho người 60 tuổi trở lên, chỉ có 79 ca có biến chứng nặng, trong đó 45 ca có liên quan đến vaccine.

Cũng theo báo cáo này, tác dụng phụ phổ biến sau tiêm vaccine Sinopharm là:

  • Chóng mặt
  • Nhức đầu
  • Mệt mỏi
  • Nôn mửa
  • Sốt
  • Dị ứng trên da.

Sốt và sưng, đau nhức ở vị trí tiêm là 2 triệu chứng thường gặp nhất. Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong 1-2 ngày sau khi tiêm.

Để giảm bớt tác dụng phụ, bạn có thể chườm mát tại vị trí tiêm. Uống nhiều nước và mặc trang phục thoáng mát, nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu do sốt. Ngoài ra, bạn có thể dùng paracetamol sau khi tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế nếu không có tiền sử dị ứng.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng xấu đi hoặc có các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban da, nổi mày đay, khó thở, đau bụng và tiêu chảy, bạn cần đi khám ngay lập tức.

Nguồn tham khảo


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!