Dịch tả lợn châu Phi có thật sự nguy hiểm như nhiều người nghĩ?

Dịch tả lợn châu Phi có thật sự nguy hiểm như nhiều người nghĩ?

Dịch tả lợn châu Phi hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng cho sức khỏe và quyết định loại bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày. Trên thực tế, hành động này chưa hẳn đã chính xác.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) là một bệnh do virus gây bệnh xuất huyết rất dễ lây lan ở lợn nhà và lợn rừng. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là một loại virus DNA lớn thuộc họ Asfarviridae. Hiện không có vắc-xin để ngăn ngừa căn bệnh này, tỷ lệ lợn tử vong nếu mắc bệnh có thể lên đến 100%. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có sự chú ý đặc biệt đến tình trạng này.

Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng sống sót khá lâu trong môi trường bình thường. Chúng trú ngụ trong dịch tiết, xác động vật, sản phẩm thịt đông lạnh và máu khô. Trong bài viết này, Hello Bacsi cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích xoay quanh căn bệnh này, cách chọn mua thịt và chế biến đảm bảo vệ sinh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

Tuy nghe qua có vẻ nghiêm trọng nhưng thực chất, căn bệnh này không có nguy cơ truyền sang người thông qua việc tiếp xúc với lợn sống mang virus gây bệnh, bị nhiễm bệnh hoặc thịt lợn nhiễm bệnh. Do đó, đây chưa hẳn là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ là bệnh của loài lợn không ảnh hưởng đến những vật nuôi hoặc sinh vật sống khác.

Mặt khác, các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng đối với bất kỳ loại thịt tươi nào, bạn phải luôn tuân theo các hướng dẫn bảo quản và chế biến an toàn để bảo vệ sức khỏe của gia đình.

Nhận biết thịt đã nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi tuy không nguy hại đến con người nhưng bạn vẫn nên “cẩn tắc vô ưu” để phòng ngừa các trường hợp xấu có thể xảy ra. Nguyên do là khi bị nhiễm căn bệnh này, sức đề kháng của lợn sẽ rất kém nên dễ mắc thêm các bệnh khác như: lở mồm long móng, thương hàn, liên cầu lợn… Nếu chẳng may ăn phải thịt lợn nhiễm các bệnh kể trên, bạn cũng như các thành viên trong gia đình có nguy cơ cao bị nhiễm độc máu, viêm màng não, suy nhược cơ thể… Do đó, bạn cần nắm vững các dấu hiệu biểu hiện thịt đã bị nhiễm virus để tránh mua nhầm. Các dấu hiệu mà bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh
  • Khi chế biến, thịt có mùi hôi, nước nấu thịt có dạng đục ngầu
  • Chạm vào thịt có hiện tượng chảy nhớt, kết cấu của thịt nhão, không đàn hồi, màu thịt kém tươi, phần mỡ không có màu trắng
  • Các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai của lợn và trông giống như vết muỗi đốt.

Mách bạn cách chọn mua thịt lợn tươi ngon, an toàn

Nếu muốn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, bạn nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín, chẳng hạn như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch… Ngoài ra, đừng vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi bán nhiều khói bụi, ruồi nhặng nhưng không có biện pháp che chắn.

Một mẹo nhỏ khác nữa dành cho bạn là hãy tạo mối quan hệ tốt với người bán thịt. Điều này sẽ giúp bạn được ưu tiên mua những miếng tươi thịt ngon cũng như học được “bí kíp” chọn thịt chất lượng đấy.

Cách chế biến thịt lợn an toàn

Thịt lợn là một trong những thực phẩm được ưa chuộng nhất và hầu như luôn xuất hiện trong thực đơn của mọi gia đình. Tuy nhiên, chọn ra một miếng thịt ngon thôi chưa đủ, bạn vẫn nên tìm hiểu thêm về cách sơ chế và chế biến thịt để có được bữa ăn đảm bảo an toàn, chẳng hạn như:

  • Hạn chế nấu thịt chín tái
  • Rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu
  • Không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn hai giờ ở nhiệt độ phòng
  • Không bỏ thịt vào nước đang đun sôi bởi sẽ khiến các chất hóa học dễ bị hấp thụ ngược lại vào bên trong thịt.

Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!