Đau lưng cấp là gì? Làm sao để giảm và ngăn ngừa đau lưng?
Đau lưng cấp là tình trạng khá phổ biến, gây đau dữ dội và làm gián đoạn công việc, sinh hoạt của nhiều người. Làm thế nào để bạn có thể “thoát khỏi” những cơn đau lưng phiền toái này, thuốc giảm đau hay giải pháp điều trị đau lưng cấp nào hiệu quả?
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay qua những thông tin dưới đây nhé!
Tìm hiểu chung
Đau lưng cấp là gì?
Đau lưng cấp là một trong các vấn đề y tế phổ biến nhất khiến người bệnh phải đi khám hay gián đoạn công việc. Đau lưng cấp thường là cơn đau chủ yếu ở vùng lưng dưới (thắt lưng), đôi khi lan xuống đùi và mông, chỉ kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Vùng thắt lưng thường bị ảnh hưởng nhất là vì đây là phần nâng đỡ phần lớn trọng lượng của cơ thể.
Đau lưng cấp có thể do nhiều lý do nhưng đến 80% trường hợp là chưa xác định được nguyên nhân.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau lưng cấp là gì?
Đau lưng có thể là từ cơn đau cơ học thường xảy ra ở vùng thắt lưng, với nhiều triệu chứng khác nhau ở từng người. Đó là cảm giác tê ngứa đến đau nhói, đột ngột như bị dao đâm. Cơn đau đôi khi nghiêm trọng đến mức bạn không thể cử động được. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể lan dần xuống chân hoặc đau dữ dội khi vặn lưng, đi lại.
Bạn có thể xem thêm: 6 triệu chứng đau lưng cấp bạn đừng làm ngơ
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra đau lưng cấp là gì?
Đau lưng cấp thường khó để xác định rõ nguyên nhân, nhưng nó thường do chấn thương đột ngột ở các cơ và dây chằng hỗ trợ lưng.
Hãy cùng tham khảo một số nguyên nhân dưới đây:
- Nén gãy xương cột sống do loãng xương
- Có khối u ở cột sống
- Co thắt cơ
- Vỡ hoặc thoát vị đĩa đệm
- Đau thần kinh tọa
- Hẹp ống sống
- Các tật cong vẹo cột sống
- Căng hoặc rách cơ hay gân hỗ trợ lưng.
Bên cạnh đó, đau thắt lưng cũng có thể do:
- Vỡ phình động mạch chủ bụng
- Các bệnh viêm khớp
- Nhiễm trùng cột sống như viêm tủy xương, viêm đĩa đệm, áp xe
- Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận
- Mang thai
- Vấn đề ở túi mật hoặc tuyến tụy
- Vấn đề ở cơ quan sinh sản của phụ nữ như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng hoặc u xơ tử cung
- Đau vùng phía sau của xương chậu hoặc xương cụt.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán đau lưng cấp là gì?
Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi về tần suất xảy ra đau lưng cấp và mức độ nghiêm trọng của nó.
Thông thường, họ tiến hành thăm khám trực tiếp lưng của bệnh nhân, yêu cầu bệnh nhân ngồi, đứng, đi lại và nhấc chân để kiểm tra và đánh giá mức độ của cơn đau. Những điều này có thể giúp xác định nguồn gốc cơn đau lưng cấp đến từ đâu và một phần loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra.
Nếu nghi ngờ nhiễm trùng hay có sự chèn ép dây thần kinh hoặc các vấn đề nào khác ảnh hưởng đến cơn đau ở lưng, bác sĩ có thể đề nghị bác thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Chụp X-quang.
- Chụp MRI hoặc CT.
- Xét nghiệm máu.
- Xạ hình xương.
- Các nghiên cứu về thần kinh như đo điện cơ (EMG)
Những phương pháp điều trị đau lưng cấp là gì?
Cơn đau lưng xuất phát từ nội tạng (thận, tử cung,…) cần được điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân mới có thể chấm dứt được.
Còn lại, hầu hết những người bị đau lưng cấp có thể tự khỏi theo thời gian mà không cần điều trị đặc hiệu hay phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp cơn đau lưng dai dẳng và tái phát thường xuyên. Để đưa ra được phương pháp điều trị đau lưng cấp là gì, bác sĩ còn dựa vào từng tình trạng cụ thể của người bệnh.
- Nằm nghỉ khi bị đau lưng cấp dữ dội là giải pháp giảm đau hữu hiệu nhưng thông thường bạn chỉ cần nằm nghỉ thời gian ngắn là có thể khắc phục được tình trạng này. Tránh nằm nghỉ và không vận quá lâu, khiến cơ và khớp bị cứng lại.
- Chườm nóng và chườm lạnh luân phiên giúp giãn cơ và giảm viêm cơ. Thông thường, bạn nên chườm nóng 20 phút rồi chườm lạnh 20 phút. Sau đó, tuỳ vào cơn đau của bạn được làm dịu khi chườm nóng hay lạnh mà có thể chọn một trong hai. Lưu ý chỉ nên chườm nóng/lạnh 2- 3 lần mỗi ngày.
- Thuốc giảm đau lưng cấp thường được sử dụng với các trường hợp đau lưng cấp dữ dội, chủ yếu là thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hay naproxen. Thường đau lưng cấp không cần thuốc giảm đau mạnh hơn, trừ một số trường hợp nghiêm trọng.
- Vật lý trị liệu. Một số trường hợp, vật lý trị liệu là một phần không thể thiếu trong điều trị đau lưng cấp. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn luyện tập tại nhà, giúp rút ngắn thời gian chữa lành đau lưng.
Nếu cơn đau lưng cấp của bạn không được cải thiện với các giải pháp như dùng thuốc, chườm nóng/đá hay vật lý trị liệu, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid ngoài màng cứng để giảm đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể được bác sĩ đề nghị thực hiện một số liệu pháp giảm đau khác như:
- Massage (xoa bóp).
- Châm cứu.
- Nắn chỉnh cột sống.
Thật may mắn là 90% người bệnh không còn triệu chứng trong 1 – 2 tuần, 10% còn lại sẽ phục hồi trong vòng 3 tháng.
Bạn có thể xem thêm: 10 loại tinh dầu giảm đau lưng bạn có thể muốn dùng
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa đau lưng cấp là gì?
Cơn đau lưng cấp không thể được phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể hạn chế các cơn đau lưng diễn ra với các lời khuyên sau:
- Tập thể dục được xem là một phần quan trọng để phòng ngừa đau lưng cấp tái phát. Điều này sẽ giúp các cơ, khớp, dây chằng ở lưng linh hoạt hơn, tăng cường sức mạnh và cải thiện tư thế của bạn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm cân – loại bỏ áp lực (nếu có) trên cột sống lưng.
- Không nên đứng quá lâu. Nếu vì tính chất công việc, có thể luân phiên gác chân lên một chiếc ghế đẩu để đỡ mỏi.
- Luôn đảm bảo tư thế đúng, lưng thẳng khi ngồi làm việc với máy tính.
- Đặt một chiếc gối nhỏ đệm sau lưng khi lái xe hoặc ngồi xe đường dài.
- Thư giãn thường xuyên với các bài tập ngồi thiền hay yoga.
- Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục.
- Bỏ thuốc lá.
- Không nên đi giày cao gót quá nhiều.
- Thường xuyên tập các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ, đặc biệt là cơ bụng.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể mang đến cho bạn câu trả lời đau lưng cấp gì và cách để đối phó với tình trạng này nhé!
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.