Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng đã xuất hiện và hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong việc phát hiện bệnh.
Bác sĩ sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán ung thư đại trực tràng và xem ung thư đã di căn đến các phần khác trong cơ thể hay chưa. Vài phương pháp cũng cho bác sĩ biết hiệu quả của phác đồ điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp với bạn dựa trên:
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe
- Loại ung thư nghi ngờ mắc phải
- Dấu hiệu và triệu chứng
- Tiền sử bệnh của bạn và gia đình
- Kết quả những xét nghiệm trước đó
Mỗi phương pháp đều mang lại những lợi ích riêng. Hiểu về các phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng sẽ giúp bạn trao đổi tốt hơn với bác sĩ cũng như lựa chọn được xét nghiệm hiệu quả để phát hiện bệnh. Trong video dưới đây, bác sĩ chuyên khoa đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ chia sẻ với bạn về những dấu hiệu của ung thư đại trực tràng cũng như những phương pháp giúp bạn tầm soát và chẩn đoán bệnh. Cùng tìm hiểu để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Dưới đây là một số phương pháp thường gặp:
Xét nghiệm máu
Ung thư đại trực tràng thường gây xuất huyết nên bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị thiếu máu. Xét nghiệm số lượng hồng cầu trong máu có thể giúp bác sĩ phát hiện xem bạn có đang bị xuất huyết hay không.
Một xét nghiệm máu khác cũng giúp chẩn đoán ung thư đại trực tràng là xét nghiệm đo hàm lượng protein carcinoembryonic antigen (CEA). Nồng độ CEA cao báo hiệu rằng ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, xét nghiệm này không đặc hiệu để xác định ung thư đại trực tràng vì nồng độ CEA chỉ cao đối với khoảng 60% số người bị ung thư đại trực tràng di căn. Hơn nữa, vài bệnh khác cũng có thể làm tăng nồng độ CEA. Vì vậy, xét nghiệm này thường được dùng để đánh giá hiệu quả điều trị hơn là tầm soát và chẩn đoán.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT sử dụng tia X để cung cấp cho bác sĩ hình ảnh 3D của các phần bên trong cơ thể, bao gồm cả đại trực tràng. Máy tính sau đó kết hợp những hình ảnh này thành khung nhìn cắt lớp chi tiết, thể hiện rõ những điểm bất thường trong đại trực tràng. Chụp CT cũng được dùng để đo kích thước của khối u.
Đôi khi, bác sĩ sẽ đưa một chất tương phản đặc biệt gọi là chất cản quang vào cơ thể bệnh nhân qua đường tiêm hoặc uống để hình ảnh chụp được chi tiết hơn. Với người bị ung thư đại trực tràng, chụp CT giúp kiểm tra xem liệu ung thư đã di căn đến các cơ quan khác hay chưa.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán ung thư đại trực tràng
Phương pháp chụp MRI dùng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết của đại trực tràng. Chụp MRI cũng được dùng để đo kích cỡ khối u. Tương tự CT, bác sĩ có thể đưa một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là chất cản từ vào cơ thể bệnh nhân để tạo nên hình ảnh rõ nét hơn. Chụp MRI là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để biết được ung thư đại trực tràng đã di căn hay chưa.
Nội soi đại tràng
Các bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ, mỏng, có đèn và máy quay vào cơ thể bạn, thường thông qua đường hậu môn, để quan sát bên trong đại tràng và trực tràng. Nếu tìm thấy các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ đặc biệt qua ống nội soi để tiến hành lấy mẫu sinh thiết hoặc loại bỏ các polyp.
Sinh thiết là phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng hiệu quả cao
Sinh thiết được xem là phương pháp mang lại hiệu quả cao và chính xác nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ và quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Việc lấy mẫu sinh thiết có thể được thực hiện khi nội soi hoặc phẫu thuật. Đôi khi, chụp CT hoặc siêu âm cũng được dùng để hướng dẫn sinh thiết bằng kim.
Ngoài ra, một số phương pháp khác cũng được sử dụng như:
- Siêu âm bụng
- X- quang bụng
- Tìm máu ẩn trong phân
- Xét nghiệm ADN trong phân
Chẩn đoán ung thư đại trực tràng kịp thời giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều trong quá trình điều trị. Bạn có thể tham khảo những thông tin trên để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân nhé.
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn tham khảo