Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến gan bị viêm như nhiễm trùng, dùng quá nhiều thuốc hoặc các chất gây nghiện. Tình trạng nhiễm virus cũng có thể dẫn đến viêm gan, phổ biến là các virus gây bệnh viêm gan A, B, C, D và E. Hiện nay, một căn bệnh viêm gan mới vừa bùng phát trên thế giới, được gọi là bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Vậy, bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là bệnh gì? Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn xoay quanh căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em này.
Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là gì ?
Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là trường hợp gan bị viêm sưng một cách nhanh chóng, đột ngột và nghiêm trọng ở trẻ em (viêm gan cấp tính). Tình trạng này trước đây là không phổ biến ở những trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện tại, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ em khỏe mạnh nào.
1. Tổng quan tình hình bệnh
Vào ngày 07/05/2022, trên thế giới đã ghi nhận 278 ca mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em tại 20 quốc gia, trong đó, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là ở Vương quốc Anh, đất nước đầu tiên báo cáo các trường hợp bệnh cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều đáng nói là, tình trạng tổn thương gan diễn ra nghiêm trọng đến mức 90% các trường hợp này phải nhập viện, mặc dù hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn. Ước tính khoảng 10% trẻ em phải ghép gan và thật không may, có 9 trẻ đã tử vong. Theo báo cáo, tất cả những trẻ này trước đây đều khỏe mạnh.
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Mặc dù vậy, nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn. Do đó, việc phòng bệnh, tăng cường giám sát và phát hiện sớm ca mắc đang là điều cấp thiết.
2. Hành động của Bộ Y tế
Chiều ngày 08/05/2022, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ và phát hiện sớm bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Các đơn vị này cũng được chỉ đạo phải phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em, sau đó báo cáo ngay các trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.
Không những thế, việc phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus, đặc biệt là tổ chức hoạt động tiêm phòng viêm gan B cho trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao… là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Cùng chung mục đích, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa nhi tích cực giám sát nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em vẫn chưa được xác định và các cuộc điều tra vẫn đang được diễn ra. Bệnh viêm gan thường do các chủng virus viêm gan A đến E gây ra, nhưng tất cả bệnh nhi đều âm tính với các chủng này. Hiện tại, nghi phạm hàng đầu là một chủng Adenovirus. Nguyên nhân là vì các trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em xảy ra tại những nơi virus Adeno có mật độ lưu hành cao. Không những thế, Adenovirus còn được phát hiện trong ít nhất 74 bệnh nhi, với 18 trường hợp được xác định là Adenovirus loại 41 – một trong những chủng được biết là có ảnh hưởng đến đường ruột.
Adenovirus không phải là virus mới mà khá phổ biến và thường dẫn đến các bệnh nhẹ giống như cúm mà ở trẻ em khỏe mạnh không tiến triển thành viêm gan. Mặc dù, Adenovirus trước đây có liên quan đến bệnh viêm gan, nhưng chỉ xảy ra ở những người đã bị suy giảm miễn dịch. Nhiễm Adenovirus – 41 mặc dù gây ra những biểu hiện như tiêu chảy, nôn mửa và sốt… nhưng trước đây không liên quan đến những biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng được ghi nhận như bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Do đó, vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận Adenovirus là “hung thủ” gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Một số ý kiến khác cho rằng, có thể có một đồng yếu tố khiến loại Adenovirus bình thường này gây ra biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như tăng tính nhạy cảm do giảm phơi nhiễm trong đại dịch COVID-19 trước đó hoặc bất kỳ sự nhiễm trùng nào khác hoặc đồng nhiễm hoặc độc tố chưa được phát hiện. Theo thống kê, SARS-CoV-2 được xác định trong 20 trường hợp được xét nghiệm. Hơn nữa, 19 trẻ được phát hiện đồng nhiễm SARS-CoV-2 và Adenovirus. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đang xem xét khả năng này.
Quan điểm khác lại cho rằng có thể có một loại Adenovirus mới đang gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. WHO cũng không loại trừ sự xuất hiện của một loại virus mới, chưa xác định có thể gây ra đợt bùng phát bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân thực sự gây ra căn bệnh này là gì.
4. Các triệu chứng cảnh báo bệnh viêm gan cấp ở trẻ em
Theo báo cáo, các triệu chứng của những trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em thường là:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao rõ rệt
Theo mô tả từ các trường hợp mắc bệnh trên thế giới, đầu tiên, trẻ sẽ có triệu chứng ở đường tiêu hóa trước và có xu hướng bị rối loạn tiêu hóa thông qua những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Vài ngày sau đó, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và có những biểu hiện điển hình của bệnh viêm gan là vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu và suy gan. Một số ít trường hợp có triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên trước khi nhập viện. Hầu hết các trường hợp không bị sốt. Sau khi nhập viện, một vài bệnh nhi bị viêm màng cứng ruột, gan to, bệnh não…
Con đường lây truyền bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em – Nguy cơ bùng phát thành dịch?
Dựa vào những triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em và thứ tự các triệu chứng này diễn ra, một số chuyên gia cho rằng, rất có khả năng tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em lây lan qua đường máu và đường tiêu hóa. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do dấu hiệu đầu tiên ở những bé mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em xảy ra ở đường tiêu hóa.
Vẫn còn ít dữ liệu để xác định liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có bùng phát thành dịch hay không. Hiện tại, rủi ro toàn cầu được coi là thấp. Lý do là vì vẫn chưa có gì chắc chắn về nguồn gốc của căn bệnh. Có thể chúng ta đang quan tâm về một tình trạng đã có trước đó nhưng không được chú ý vì có quá ít trường hợp. Bàn về điều này, tiến sĩ Richard Malley, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết: “Thật khó để dự đoán liệu điều này sẽ trở nên phổ biến hơn hay trên thực tế, nó sẽ chỉ là một đốm sáng trong câu chuyện bệnh truyền nhiễm năm 2022 của chúng ta”.
Cách phòng ngừa bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ emphòng ngừa bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Trước tình hình bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đang vẫn còn nhiều ẩn số, phụ huynh nên cố gắng phòng ngừa căn bệnh này cho con mình bằng một số biện pháp sau:
Nâng cao ý thức và thói quen phòng bệnh
Cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan: Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đặc biệt là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, cần đưa trẻ đi khám để có biện pháp điều trị kịp thời.
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh cho trẻ.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ thật kỹ, thường xuyên sát khuẩn và rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay chạm vào các bề mặt công cộng.Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Bởi adenovirus thường kháng với các chất khử trùng thông thường và có thể lây nhiễm trong thời gian dài trên các bề mặt và đồ vật.
Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị bệnh liên quan đến Adenovirus.
Ho và hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy.
Ăn chín uống sôi và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng của quốc gia.
Nếu nhà bạn có nuôi chó, cần tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm gan truyền nhiễm cho chó. Nguyên nhân là vì một trong các chủng Adenovirus có thể gây ra bệnh viêm gan truyền nhiễm ở chó.
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp cho bạn những thắc mắc xoay quanh bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.
Nguồn: Sưu Tầm.