Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nhiều sản phẩm cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi có hàm lượng đường chiếm đến 30% trên tổng số calo.
WHO cũng đưa ra cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc có nhiều đường trong thực phẩm cho trẻ ăn dặm có thể khiến trẻ mắc phải các vấn đề nghiêm trọng như béo phì và tiểu đường sau này.
Mô hình hồ sơ dinh dưỡng của WHO
Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát triển dự thảo về mô hình hồ sơ dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Dự thảo này nhằm giúp các chính phủ đưa ra quyết định loại bỏ những thực phẩm không phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi.
Mô hình hồ sơ dinh dưỡng chủ yếu thiết lập các quy chuẩn phân loại thực phẩm thành hai loại chính, dựa vào hàm lượng dinh dưỡng của chúng.
Theo đó, các quan chức của WHO cũng đã thu thập dữ liệu dinh dưỡng trong thực phẩm và đồ uống dành cho trẻ em trong các trung tâm thương mại và các cơ sở bán lẻ.
Họ đã sử dụng dữ liệu từ gần 8.000 sản phẩm có sẵn tại các thành phố lớn của châu Âu như Vienna và Budapest. Trong đó, có đến 28-60% thực phẩm được ghi rõ trên bao bì là dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Điều đáng báo động là phần lớn các sản phẩm được kiểm tra có đến 30% calo đến từ đường.
Các quan chức WHO lưu ý thêm, việc bày bán các thực phẩm có nhiều đường cho trẻ sơ sinh đã được cho phép theo luật của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, nó không được thừa nhận theo Quy tắc tiếp thị quốc tế về sữa thay thế sữa mẹ (được thành lập vào năm 1981).
“Thực phẩm cho trẻ ăn dặm và trẻ sơ sinh dự kiến sẽ tuân thủ các khuyến nghị về dinh dưỡng và thành phần khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm khiến chúng ta lo ngại về việc có quá nhiều đường trong thực phẩm cho trẻ ăn dặm”, João Breda – tiến sĩ, người đứng đầu văn phòng châu Âu của WHO về Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm cho biết trong một thông cáo báo chí.
Mặc dù WHO tiếp tục khuyến nghị trẻ em dưới 6 tháng tuổi nên được bú sữa mẹ nhưng điều đó là không khả thi đối với mọi trường hợp. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ thường sử dụng thực phẩm bổ sung để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra một số loại thực phẩm mà cha mẹ không nên cho trẻ sơ sinh ăn như: nước ép đóng hộp, sinh tố, sữa chua và các món tráng miệng.
Trẻ bị nghiện đồ ngọt sớm do có quá nhiều đường trong thực phẩm cho trẻ ăn dặm
Các chuyên gia cảnh báo rằng cha mẹ không nên bỏ qua thông tin về lượng đường trong thực phẩm. Nguyên do là vì chúng có thể khiến một đứa trẻ bị nghiện ăn đồ ngọt sau này.
Năm 2010, các nhà nghiên cứu tại Đại học Calgary (Canada) đã phát hiện hơn một nửa thực phẩm bán cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có 20% lượng calo đến từ đường.
Tiếp theo đó, nghiên cứu năm 2015 tại trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York) và trường Y khoa Keck, Đại học Nam California cho thấy 74% công thức lấy mẫu thực phẩm cho trẻ ăn dặm (gồm thực phẩm đóng hộp, sữa chua) có 20% hoặc nhiều calo hơn từ đường bổ sung.
Một nghiên cứu khác năm 2015 được Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ công bố cho thấy 35 trong số 79 loại ngũ cốc và trái cây được lấy mẫu cho trẻ sơ sinh, chứa 35% đường trên tổng số calo.
Những thực phẩm cho trẻ ăn dặm nên được ưu tiên sử dụng
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bà mẹ nên tìm các loại thực phẩm một thành phần cho bé, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Sarah Rueven – một chuyên gia dinh dưỡng, chủ sở hữu Rooted Health cho biết sở thích vị giác trẻ con được hình thành và củng cố trong năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, cô cũng khuyên cha mẹ nên dùng các loại thực phẩm một thành phần cho con.
Theo Mayo Clinic, cha mẹ tránh kết hợp các loại thức ăn chế biến sẵn với trái cây hoặc rau. Việc làm này có thể khiến cho trẻ nghĩ rằng rau quả chỉ ngon khi nó có vị ngọt.
Rueven cho biết thực phẩm trẻ em chứa nhiều đường có thể khiến trẻ nghiện đồ ăn ngọt cả đời. Cô nói: “Sự ưa thích đồ ngọt có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường và các bệnh liên quan đến lối sống khác”.
Lisa Richards, một chuyên gia dinh dưỡng và người sáng lập Candida Diet cho biết, các nhà quản lý của ngành công nghiệp thực phẩm cần phải thay đổi những gì họ đã được cấp phép trong việc tiếp thị đồ ăn thức uống cho trẻ nhỏ.
Lisa cũng lưu ý rằng vẫn còn những bước cha mẹ có thể thực hiện để giúp hạn chế lượng đường mà con cái họ tiêu thụ. Cụ thể, cô cho rằng: “Cha mẹ nên tự học cách hiểu về các tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ và chọn thực phẩm tươi sống, gần với nguyên thủy nhất”.
Lượng đường trong thực phẩm cho trẻ ăn dặm cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đây là điều mà các chính phủ cần nhanh chóng thực hiện để giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị béo phì.