Bạn có cần xét nghiệm vi khuẩn HP? Các phương pháp xét nghiệm và chi phí
Trong những năm gần đây, việc làm xét nghiệm vi khuẩn HP được sự quan tâm từ đông đảo bệnh nhân vì liên quan đến căn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, một bệnh tiêu hóa nhiều người mắc phải. Xét nghiệm vi khuẩn HP là gì, kỹ thuật này dành cho ai và thực hiện ra sao?
Bạn sẽ tìm được đáp án qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây. Mời bạn cùng tìm hiểu!
Khi nào cần xét nghiệm vi khuẩn HP?
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP là tên viết tắt của Helicobacter pylori hay H. Pylori, đã được y học hiện đại công nhận là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Các chuyên gia sức khỏe ước đoán số người có vi khuẩn HP ký sinh trong hệ tiêu hóa là rất lớn: hơn một nửa dân số thế giới và tại Việt Nam con số này vào khoảng 60 – 70% dân số. Mặc dù hầu hết các ca nhiễm H. pylori là từ giai đoạn trẻ nhỏ nhưng khoảng một nửa trong số đó chung sống hòa bình với vi khuẩn HP mà không có triệu chứng nào đặc biệt, cũng như không hề hay biết.
Tuy nhiên, trong số các ca viêm loét dạ dày tá tràng thì có khoảng 90% là do vi khuẩn HP gây ra, 10% còn lại đến từ các nguyên nhân khác. Vi khuẩn HP tồn tại bất chấp nồng độ pH rất thấp của dịch vị dạ dày. Ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP, chúng thường kết hợp với một số yếu tố nguy cơ khác để phá hoại lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc, là hàng rào bảo vệ dạ dày khỏi sự ăn mòn bởi axit do chính nó tiết ra. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:
Sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen, diclofenac, aspirin…
Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu
Chế độ sinh hoạt, ăn uống bất hợp lý
Stress
Yếu tố cơ địa, di truyền
Nhiễm chủng vi khuẩn HP.
Mục đích của việc xét nghiệm vi khuẩn HP
Việc thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP giúp xác định bạn có nhiễm vi khuẩn HP hay không, cũng như các thông tin cần thiết khác về chủng vi khuẩn, mức độ nhiễm, tình trạng dạ dày tá tràng… Điều này giúp các bác sĩ điều trị xây dựng được phác đồ điều trị phù hợp.
Với những người có nguy cơ cao mắc phải các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến vi khuẩn HP như ung thư dạ dày, xét nghiệm vi khuẩn HP giúp đưa ra các tiên liệu và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Xét nghiệm vi khuẩn HP được thực hiện như thế nào?
Có nhiều phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP với ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như mục đích xét nghiệm khác nhau.
4 hình thức xét nghiệm vi khuẩn HP
1. Xét nghiệm vi khuẩn HP trong phân
Phương pháp này tìm các protein kháng nguyên của vi khuẩn HP được thải ra trong phân. Bệnh nhân tự thu thập mẫu xét nghiệm tại nhà hoặc cơ sở y tế. Đây là loại xét nghiệm cơ bản, tương đối thực hiện dễ dàng, chi phí hợp lý với kết quả chính xác. Nhưng ngày nay ít được dùng do có nhiều phương pháp khác đơn giản và thuận tiện hơn.
Xét nghiệm vi khuẩn HP trong phân bằng phương pháp PCR thậm chí có thể tìm ra các đột biến vi khuẩn HP kháng kháng sinh. Tuy nhiên, quá trình thu thập mẫu có thể bất tiện về mặt vệ sinh và sự tiện lợi cho bệnh nhân và kỹ thuật viên.
2. Xét nghiệm vi khuẩn HP qua máu
Với người đã từng hoặc đang nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể tương ứng và lưu thông trong máu. Xét nghiệm vi khuẩn HP phân tích mẫu máu để xác định có hay không các kháng thể này.
Tuy nhiên, kháng thể có thể tồn tại 6 tháng trong máu. Do đó khi kết quả dương tính không thể phân biệt bệnh nhân đã từng bị nhiễm vi khuẩn HP hoặc đang nhiễm cấp. Vì thế, phương pháp này không được sử dụng để theo dõi bệnh sau điều trị.
3. Xét nghiệm vi khuẩn HP qua hơi thở
Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân được cho uống một loại thuốc đặc biệt có chứa các phân tử carbon đã được đánh dấu (thường sử dụng đồng vị carbon C-13). Nếu có vi khuẩn HP trong dạ dày, chúng sẽ phân hủy thuốc này thành các thành phần mà cơ thể hấp thu được. Đồng vị C-13 theo vào máu và được thải ra qua hơi thở (khí CO2). Một thiết bị đặc biệt sẽ phân tích hơi thở ra của bệnh nhân để xem có đồng vị C-13 hay không, nếu có thì người đó đang nhiễm vi khuẩn HP.
Với chi phí cao hơn 2 phương pháp kể trên một chút, ưu điểm của phương pháp này là nhanh, thuận tiện, chính xác, phù hợp với cả người lớn và trẻ em. Đây là phương pháp được ưu tiên áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP qua hơi thở cũng như các xét nghiệm trên là các xét nghiệm không xâm lấn chưa đủ để cung cấp các thông tin sâu hơn, ví dụ chủng vi khuẩn HP và tình trạng bệnh dạ dày (nếu có).
4. Xét nghiệm vi khuẩn HP qua nội soi dạ dày tá tràng
Xét nghiệm vi khuẩn HP có thể được thực hiện cùng lúc với thủ thuật nội soi dạ dày tá tràng. Ống nội soi có gắn camera được đưa vào dạ dày giúp bác sĩ quan sát tình trạng niêm mạc, phát hiện các bất thường, mức độ bệnh, vị trí tổn thương… Đồng thời một mẫu mô niêm mạc nhỏ sẽ được lấy ra để phân tích tìm vi khuẩn HP.
Phương pháp này thường được áp dụng khi bệnh nhân đã có các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn chức năng tiêu hóa, hoặc các dấu hiệu nghi ngờ ung thư, tiền căn gia đình có ung thư dạ dày, bệnh nhân trên 30 tuổi. Việc phân tích trực tiếp mẫu vi khuẩn giúp bác sĩ xác định chính xác chủng vi khuẩn HP đang gây bệnh để lựa chọn loại kháng sinh thực sự hiệu quả, nếu bệnh nhân thất bại với điều trị HP ban đầu. Ngoài ra, việc xét nghiệm bằng phương pháp này có thể giúp chẩn đoán, loại trừ được các nguyên nhân bệnh lý khác.
Trong 4 phương pháp, xét nghiệm vi khuẩn HP kết hợp nội soi dạ dày tá tràng có chi phí cao nhất, đặc biệt nếu bạn yêu cầu được gây mê trong lúc nội soi.
Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm?
Để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bạn cần lưu ý:
Nếu đang điều trị bằng kháng sinh, bismuth subsalicylate cần đợi ít nhất 4 tuần sau khi liệu trình kháng sinh kết thúc mới thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP.
Nếu đang điều trị các thuốc kiểm soát axit dạ dày như PPI…, cần ngưng thuốc từ 1 – 2 tuần trước khi xét nghiệm vi khuẩn HP.
Thuốc chẹn H2 và antacid ít hoặc không ảnh hưởng đến kết quả test hơi thở.
Khi nào cần xét nghiệm vi khuẩn HP?
Xét nghiệm vi khuẩn HP là một kỹ thuật y khoa không còn mới lạ và được thực hiện tại hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế trên khắp cả nước. Chi phí xét nghiệm vi khuẩn HP phụ thuộc vào kỹ thuật được sử dụng và cơ sở thực hiện xét nghiệm, nhìn chung thường dao động quanh mức giá như sau:
Xét nghiệm phân: từ 150.000 đồng
Xét nghiệm máu: từ 150.000 đồng
Xét nghiệm hơi thở: từ 400.000 đồng
Xét nghiệm qua nội soi: từ 400.000 đồng.
Vì không phải lúc nào việc nhiễm vi khuẩn HP cũng đáng lo ngại, vì vậy xét nghiệm vi khuẩn HP chỉ nên thực hiện khi cần thiết, trong các trường hợp sau:
Có các triệu chứng nghi ngờ viêm loét dạ dày tá tràng
Nóng rát dạ dày, tá tràng
Đau dạ dày, đau nhiều hơn khi đói
Hay buồn nôn và nôn
Chán ăn
Thường xuyên ợ hơi, chướng bụng
Sút cân
Các triệu chứng trên đây cho thấy bạn có thể đang bị viêm loét dạ dày tá tràng và nên đi khám. Những trường hợp bị viêm loét dạ dày tá tràng và có nhiễm HP thì cần điều trị luôn cả tình trạng nhiễm vi khuẩn HP mới trị bệnh được dứt điểm. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP như một bước quan trọng để chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm vi khuẩn HP nếu trước đây bạn từng điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nhưng không thành công, bệnh thường xuyên tái đi tái lại.
Có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn HP
Sự tồn tại của vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ hình thành, diễn tiến của một số bệnh. Bạn nên xét nghiệm vi khuẩn HP nếu:
Đang điều trị bằng các thuốc NSAID trong thời gian dài
Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày
Bản thân từng điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm hoặc u lympho niêm mạc đường tiêu hóa.
Ngoài ra, nếu bạn quan tâm đến việc mình có bị nhiễm HP hay không thì có thể trao đổi với bác sĩ về sự cần thiết của việc thực hiện xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính có đáng lo ngại?
Nếu cần thiết phải điều trị vi khuẩn HP, bạn sẽ được chỉ định sử dụng một liệu trình kháng sinh, thường bao gồm từ 2 loại thuốc trở lên để đạt hiệu quả. Nếu đang bị viêm
loét dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ kết hợp với các thuốc chữa viêm loét dạ dày khác (thuốc trung hòa, kháng tiết axit, bismuth subsalicylate…) để thúc đẩy niêm mạc phục hồi, lành lặn.
Bạn cần tái khám sau ít nhất 4 tuần điều trị để kiểm tra xem đã tiêu diệt thành công vi khuẩn HP chưa. Nếu chưa, bác sĩ sẽ tiếp tục một liệu trình kháng sinh khác.
“Vi khuẩn HP có gây ung thư dạ dày không” là lo lắng của nhiều người. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm là nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như di truyền, lối sống, các bệnh lý về tiêu hóa không được điều trị dứt điểm, chủng vi khuẩn HP… Vì vậy, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên định kỳ hoặc đi khám ngay khi thấy có các dấu hiệu bất thường.
Mong rằng nội dung trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích xoay quanh xét nghiệm vi khuẩn HP là gì, tiến hành ra sao, ai nên thực hiện xét nghiệm… Hiện tại, việc thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP không chỉ giới hạn cho bệnh nhân điều trị bệnh. Vì vậy, nếu bạn thuộc đối tượng cần thiết thực hiện hoặc chỉ đơn giản là muốn kiểm tra sức khỏe bản thân, hãy đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: https://hellobacsi.com/benh-tieu-hoa/loet-da-day-ta-trang/xet-nghiem-vi-khuan-hp/