Amiang là gì?

Amiang là một chất gây ung thư ở người

Amiăng là silicát kép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2 có trong tự nhiên. Amiăng gồm 02 nhóm: (a) Nhóm Serpentine: Chrysotile (Amiăng trắng) có dạng xoắn và cũng là loại sợi Amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã cấm sử dụng và tiêu thụ mọi hình thức Amiăng thì một số quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển và ở Việt Nam Amiăng trắng vẫn tiếp tục được sử dụng; (b) Nhóm Amphibole gồm: Actinolite, Amosite (Amiăng nâu), Crocidolite (Amiăng xanh), Tremolite, Anthophylite. Nhóm sợi Amphibole có cấu tạo dạng thẳng, hình kim, gọi chung là Amiăng màu đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông từ cách đây 20 năm.

Các sản phẩm có sử dụng Amiăng: công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy… Amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân.

Trên thế giới, amiăng được sản xuất với sản lượng khoảng 2 triệu tấn một năm. Bốn nước sản xuất amiăng hàng đầu thế giới là: Nga, Trung Quốc, Brazil và Kazakhstan. Từ năm 2010 đến nay 4 nước này sản xuất amiang chiếm từ 94% đến 99% tổng sản lượng của thế giới. Năm 2011, Châu Á và Trung đông tiêu thụ 85% lượng amiăng toàn cầu. Hiện nay chỉ còn 35 nước sử dụng amiăng trắng – 54 nước đã cấm sử dụng.

Ở Việt Nam Amiăng trắng (Chrysotile) được sử dụng chủ yếu để sản xuất tấm lợp A-C và hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn nhập khẩu Amiăng vào Việt Nam chủ yếu từ Nga (85%), Trung Quốc, Kazakhstan… Từ 10 năm nay Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ Amiăng nhiều nhất thế giới. Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn Amiăng nguyên liệu. Năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước châu Á sử dụng Amiăng. Hiện nay có khoảng 5000 công nhân trực tiếp tiếp xúc trong sản xuất tấm lợp A-C. Tấm lợp A-C được cung cấp và tiêu thụ chủ yếu cho hàng triệu người dân có thu nhập thấp ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ thiên tai, bão lụt với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu m2.

Tất cả các loại amiang, kể cả Amiăng trắng (Chrysotile) được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Các bằng chứng là rõ ràng và tiếp tục được tích lũy, cập nhật. Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012 đã kết luận sau khi rà soát hàng trăm nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí quốc tế như sau “mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại Amiăng, bao gồm cả Amiăng trắng, đều gây ung thư” và “không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư”. Các nước Mỹ, Đức, Úc, Liên minh Châu Âu đều khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là chất gây ung thư ở người.

Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiang để làm đường, đổ làm móng nhà…

.Tác hại của Amiăng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi–Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiang thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.

Amiang là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất ước tính gây ra ½ số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiang là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu năm phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều Amiăng trong quá khứ.

Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi Amiăng là một bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 1976 và đã có 3 trường hợp được giám định và chi trả bồi thường. Đã có 150 trường hợp ung thư trung biểu mô được ghi nhận tại 9 trung tâm ghi nhận ung thư ở Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô yêu cầu kỹ thuật cao về thiết bị và đội ngũ bác sỹ giỏi, hiện nay Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần. Số liệu liên quan đến tiếp xúc Amiăng tại các cơ sở sản xuất và trong khu dân cư gần nơi sản xuất tấm lợp, má phanh và các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt và các khu vực người dân sử dụng nhiều tấm lợp, cũng như thải bỏ, tiêu hủy hiện cũng chưa thống kê được.

Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng Amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: Amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng Amiăng một cách an toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại Amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng. Năm 2006 ILO đã có Khuyến nghị nêu rõ tất cả các loại Amiăng đều được phân loại là chất gây ung thư ở người và đề nghị không sử dụng Công ước Amiăng số 162 năm 1986 để làm lý do tiếp tục sử dụng Amiăng.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế, lao động đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu triển khai những hoạt động tập trung phòng chống các bệnh liên quan đến Amiăng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông qua Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế như xây dựng Hồ sơ quốc gia về Amiăng; chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất và sử dụng Amiăng; nâng cao năng lực giám sát môi trường lao động và chẩn đoán các bệnh liên quan đến Amiăng; giám sát các trường hợp ung thư trung biểu mô tại cộng đồng; tuyên truyền về tác hại của amiăng và các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, việc phổ biến các thông tin vẫn còn thiếu, nhất là cho đối tượng người lao động và cộng đồng dân cư.

Ngày 17/7/2014 Hội thảo về Amiang và sức khỏe đã được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học, công nghệ và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học, các đại biểu quốc hội và đại diện các bộ, ngành. Hội thảo đã thống nhất một số điểm sau:

– Khẳng định tất cả các dạng amiăng gây ung thư và không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng amiăng, kể cả amiăng trắng

– Càng tăng việc sử dụng amiăng thì càng làm tỷ lệ ung thư gia tăng. Ung thư trung biểu mô là một ung thư khá đặc hiệu do amiăng gây ra. Vấn đề nghiên cứu tác hại và bệnh học do amiăng gây ra rất khó khăn về nhân lực và vật lực. Cần đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn cao.

– Việc xử lý vật liệu phế thải amiăng còn hạn chế. Vì vậy việc tồn tại amiăng trong môi trường và nguy cơ gây bệnh của amiăng còn hiện hữu.

– Chi phí khắc phục hậu quả của amiăng tốn kém hơn nhiều so với lợi ích kinh tế của amiăng mang lại.
– Việc phổ biến tuyên truyền tác hại của amiăng cho người dân còn rất hạn chế
– Các quy định của Quốc tế khá rõ ràng. WHO và ILO đều kêu gọi các quốc gia thành viên cấm sử dụng amiăng trắng. Là nước thành viên, Việt Nam phải tham chiếu và dựa trên lời kêu gọi của WHO/ILO để có những quyết định phù hợp nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động và đặc biệt sức khỏe cho người tiêu dùng.

Các đại biểu cũng thống nhất kiến nghị một số hành động cụ thể:

+ Không cần thiết có nghiên cứu chứng minh tác hại của amiăng với sức khỏe, hiện tại Việt nam cũng chưa thể tiến hành các nghiên cứu này, mà Việt Nam cần có các nghiên cứu về hướng dẫn sử dụng an toàn đối với người lao động và cộng đồng dân cư, xử lý các chất thải có amiang…

+ Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đặc biệt với người sản xuất có amiăng, người lao động và người dân đang sử dụng sản phẩm chứa amiăng

.+ Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm đưa amiăng vào Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam vào năm 2015

+ Đề nghị Chính phủ cần có một lộ trình cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng, không nên kéo dài thời gian sử dụng ở Việt Nam

.
+ Khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản có liên quan, các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng, các vấn đề về xử lý chất thải amiăng

…+ Cần có giải pháp về chăm sóc sức khoẻ người lao động, cộng đồng, giải pháp về vật liệu thay thế… khi bắt đầu lộ trình cấm amiăng.

Các khuyến cáo của ngành y tế cho người người lao động và người dân để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh liên quan đến amiang:

– Đối với người lao động:+ Làm một số ngành nghề công việc sau có thể phải tiếp xúc với amiăng và mắc bệnh: Sản xuất vật liệu xây dựng tấm lợp amiăng; Tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng; Chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng; làm cách nhiệt bằng amiăng; Tháo dỡ các công trình xây dựng có sử dụng amiăng; Thao tác khô với amiăng trong kỹ nghệ chế tạo ximăng amiăng; Chế tạo các loại bộ phận má phanh ô tô, bìa giấy bằng amiăng…

+ Dự phòng các bệnh có liên quan đến Amiăng: Sử dụng các loại trang thiết bị phòng hộ cá nhân đúng tiêu chuẩn chất lượng (quần áo, giầy dép, khẩu trang); Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc; Tắm rửa thay quần áo tại nơi lao động, không mang quần áo bẩn về nhà để giặt rũ; Định kỳ khám, chụp phim X quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra sức khỏe và phát hiện sớm bệnh có liên quan đến Amiăng…Khi có các dấu hiệu của bệnh liên quan đến Amiăng, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế (Các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh như: Đau tức ngực và khó thở, đau tức ngực khi gắng sức là hai triệu chứng chính của bệnh; Ho kéo dài; lúc đầu ho khan, sau ho kèm theo khạc đờm; Ho ra máu, thở khò khè…)

– Đối với người dân:

+ Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiang mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm Amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại;

+ Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa Amiăng (tấm lợp, má phanh..). Khi có các biểu hiện bệnh do bụi Amiăng cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền (môi trường, y tế) để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời.

Nguồn:  http://amiang.org.vn/​


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!