4 dấu hiệu trên da cho thấy bạn đang mắc bệnh gan
Bệnh gan đang dần phổ biến do nhiều yếu tố nhưng những dấu hiệu bệnh ở giai đoạn đầu thường rất mơ hồ. Điều này vừa khiến người bệnh bị suy giảm chức năng gan, vừa gây nhiều những trở ngại trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Nhưng nếu chú ý chăm sóc cơ thể mỗi ngày, bạn hoàn toàn có thể nhận biết gan đang gặp bất ổn với những dấu hiệu đặc trưng trên da.
4 dấu hiệu trên da cho thấy bạn mắc bệnh gan
Da là bộ phận có những phản ứng rõ ràng nhất khi bạn gặp vấn đề về gan. Theo đó, khi da xuất hiện những dấu hiệu này, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
1. Vàng da
Bên cạnh dấu hiệu vàng da, bệnh gan và tình trạng bị suy giảm chức năng gan còn kèm theo triệu chứng vàng mắt (ở tròng trắng). Đây được xem là dấu hiệu nhận biết chính xác nhất của người mắc bệnh gan.
Các vấn đề xấu ở gan khiến bộ phận này không có khả năng loại bỏ bilirubin tự do – một sắc tố màu vàng được sinh ra trong quá trình thoái hóa hồng cầu. Nó được xem là độc tố cần được loại bỏ khỏi cơ thể.
Bilirubin tự do không hòa tan trong nước nên không thể được bài tiết qua đường tiểu. Từ đó, sắc tố này chuyển hóa thành một hợp chất tại gan. Thông thường, gan khỏe mạnh sẽ đào thải độc tố này. Nếu gan bị suy yếu chức năng do bất kỳ nguyên nhân gì thì nó không thể làm tốt nhiệm vụ loại bỏ bilirubin. Lâu dần, độc tố này tích tụ trong gan, khiến người bệnh bị vàng da, vàng mắt.
2. Xuất hiện các vết bầm tím dưới da dù va chạm nhẹ
Da của người mắc bệnh về gan rất dễ bị bầm tím dù chỉ có những va chạm rất nhẹ. Nguyên nhân khiến da dễ bị bầm tím là khi chức năng gan bị suy giảm, quá trình đông máu sẽ bị rối loạn. Điều này làm cho quá trình đông máu diễn ra chậm hơn khiến dễ chảy máu khi va chạm cơ học.
3. Da nổi mụn nhọt, mề đay dù không bị dị ứng
Thông thường, mụn nhọt hoặc mề đay xuất hiện khi da bị dị ứng với hóa chất hoặc thực phẩm. Tuy nhiên, với người gặp phải các bệnh về gan thì ngay cả khi không bị dị ứng, da vẫn dễ bị ngứa, nổi mụn và mề đay.
Nguyên nhân là vì gan yếu không có đủ sức lọc bỏ hết các chất cặn bã tích tụ trong cơ thể. Lâu dần, những chất cặn bã này sẽ phát tác gây ngứa ngáy, mụn nhọt.
4. Xuất hiện dấu sao mạch dưới da
Dấu sao mạch là một u mạch xuất phát từ một tiểu động mạch rồi lan tỏa nhánh ra xung quanh. Mỗi nhánh là một mạch máu nhỏ màu đỏ, đường kính dưới 1cm. Khi dùng tay ấn vào, dấu sao mạch sẽ biến mất. Trong trạng thái bình thường, không có ngoại lực tác động thì các mạch nhánh lại được bơm đầy máu.
Dấu sao mạch có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như vai, cánh tay, gò má, cẳng chân… Dấu sao mạch xuất hiện dưới da là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiêu cực. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu lâm sàng phổ biến để bác sĩ chẩn đoán những chứng bệnh về gan.
Những điều bạn cần làm khi thấy da có biểu hiện bệnh gan
Các biểu hiện bất thường trên da có thể là triệu chứng của những bệnh lý khác. Tuy nhiên, 4 dấu hiệu vừa nêu là triệu chứng điển hình nhất cho thấy bạn có thể đang bị bệnh gan.
Để có chẩn đoán chính xác, bạn cần đến bệnh viện. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm hoặc các bài kiểm tra thể chất liên quan để có dữ liệu chẩn đoán bệnh.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, dù mắc bệnh về gan hoặc bất cứ bệnh lý gì, bạn cũng cần tuân thủ và thực hiện đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Người bị bệnh gan cần điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Theo đó, chế độ ăn uống cho người bệnh gan cần tuân thủ những nguyên tắc kiêng cữ sau:
– Đồ ăn nhiều dầu mỡ
– Đồ ăn cay, nóng, nhiều đường
– Thức uống có cồn và caffeine
– Các loại thịt đỏ
Thay vào đó, người bệnh cần tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm có lợi cho gan như: yến mạch, trà xanh, các loại quả mọng, thực phẩm có nguồn gốc thực vật…
Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống tích cực với những thói quen lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không thức khuya, uống đủ nước mỗi ngày, không lạm dụng rượu, bia, thường xuyên thực hiện các phương pháp thải độc và tăng cường chức năng gan.
Nguồn: tham khảo