13 Cách phòng bệnh tiểu đường trước khi quá muộn
Phòng bệnh tiểu đường trước khi lượng đường và insulin trong máu lên quá cao sẽ giúp bạn tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm. Bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với vận động thường xuyên, bạn sẽ không lo mắc phải chứng bệnh phổ biến này!
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, bệnh tim và nhiều bệnh nghiêm trọng khác.
Trước khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường, có một khoảng thời gian đường huyết của bệnh nhân ở mức cao, nhưng chưa đạt đến giới hạn để bị chẩn đoán mắc tiểu đường. Các bác sĩ gọi giai đoạn này là giai đoạn tiền tiểu đường. Ước tính có tới 70% bệnh nhân mắc tiền tiểu đường sẽ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp giúp phòng ngừa và ngăn chặn tiền tiểu đường phát triển thành bệnh tiểu đường. Mặc dù có một số yếu tố như di truyền, tuổi tác hoặc những thói quen sinh hoạt không lành mạnh trong quá khứ là điều khó có thể thay đổi, bạn vẫn có thể ngăn ngừa bệnh bằng 13 cách sau.
1. Cắt đường và carb để phòng bệnh tiểu đường
Chế độ ăn có các thực phẩm nhiều đường và carb đã qua chế biến có thể đẩy nhanh tiến triển bệnh ở những người đã mắc tiền tiểu đường. Cơ thể nhanh chóng chuyển hóa các loại thực phẩm này thành các phân tử đường nhỏ và hấp thụ vào máu. Sự tăng hàm lượng đường trong máu sẽ kích thích tuyến tụy sản xuất insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường.
Ở những người bị tiền tiểu đường, các tế bào của cơ thể kháng insulin nên lượng đường trong máu những bệnh nhân này vẫn ở mức cao. Khi này, tuyến tụy sẽ sản xuất nhiều insulin hơn để hạ thấp lượng đường trong máu xuống mức bình thường. Qua thời gian, quá trình này dẫn tới hệ quả là lượng đường và insulin đều ở mức cao và cuối cùng bệnh sẽ tiến triển qua giai đoạn bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc thường xuyên dùng các thực phẩm có đường và carb chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Bạn hãy thay thế các loại thức ăn này bằng các loại thực phẩm ít ảnh hưởng tới đường huyết hơn có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
2. Ăn low-carb để phòng bệnh tiểu đường
Thực hiện chế độ low-carb có thể giúp bạn tránh mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù nhiều chế độ ăn khác có thể giúp bạn giảm cân, nhưng chế độ low-carb được chứng minh là giúp giảm đường huyết và insulin, tăng độ nhạy với insulin của tế bào và giảm các nguy cơ mắc tiểu đường khác.
Nếu bạn giảm thiểu lượng carb mình tiêu thụ, lượng đường trong máu của bạn sẽ không tăng nhiều sau khi ăn. Nhờ vậy, cơ thể sẽ cần tới insulin hơn để duy trì đường huyết ở mức ổn định và lành mạnh.
3. Phòng bệnh tiểu đường bằng phần ăn nhỏ
Dù có theo chế độ ăn kiêng low-carb hay không thì bạn vẫn cần tránh ăn những khẩu phần ăn lớn để giảm nguy cơ mắc tiểu đường, đặc biệt là khi bạn đang thừa cân.
Ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc làm cho lượng đường trong máu và insulin tăng cao hơn ở những người có nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Một khẩu phần ăn nhỏ hơn sẽ giúp bạn giảm tình trạng này.
Một nghiên cứu kéo dài hai năm ở những người đàn ông bị tiền tiểu đường cho thấy những người giảm khẩu phần ăn và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh có nguy cơ mắc tiểu đường thấp hơn 46% so với những người không hề thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.
4. Phòng bệnh tiểu đường bằng chất xơ
Ăn nhiều chất xơ rất có lợi cho sức khỏe đường ruột và giúp kiểm soát cân nặng hợp lý. Nghiên cứu ở những người béo phì, người cao tuổi và tiền tiểu đường đã chỉ ra rằng ăn nhiều chất xơ giúp giữ lượng đường trong máu và insulin ở mức thấp.
Chất xơ có thể được chia thành hai dạng:
• Chất xơ hòa tan: Trong hệ tiêu hóa, chất xơ hòa tan và nước kết hợp tạo thành dạng gel. Gel này giúp giảm lượng thức ăn được hấp thụ giúp đường máu không tăng quá nhanh.
• Chất xơ không hòa tan: Chất xơ không hòa tan có thể giúp hạ đường huyết và phòng bệnh tiểu đường.
Phần lớn các loại thức ăn không qua chế biến có nguồn gốc thực vật chứa chất xơ. Bạn hãy tìm hiểu top 10 thực phẩm giàu chất xơ để chọn những loại thực vật có nhiều chất xơ nhất.
5. Giảm thiểu các thức ăn chế biến sẵn
Một bước cần thiết để cải thiện sức khỏe là giảm thiểu mức tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn vì chúng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim, béo phì và tiểu đường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều dầu thực vật, ngũ cốc chế biến sẵn và các chất phụ gia giúp làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Chế độ ăn chứa nhiều thức ăn chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên tới 30%.
6. Phòng bệnh tiểu đường nhờ nước lọc
Nước lọc là loại nước giải khát tự nhiên nhất. Uống nước nhiều và thường xuyên sẽ giúp bạn hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều đường, chất bảo quản và các thành phần gây tiểu đường khác.
Các loại đồ uống có đường như soda hay cocktail có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn (LADA) ở người trưởng thành.
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với bệnh tiểu đường cho thấy cả các loại đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo hay nước trái cây đều không tốt cho phòng ngừa bệnh tiểu đường. Ngược lại, uống nhiều nước có thể giúp kiểm soát đường huyết và tăng độ nhạy insulin.
7. Phòng bệnh tiểu đường bằng cà phê hoặc trà
Mặc dù nước nên là thức uống chính của bạn, nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê hoặc trà có thể giúp bạn tránh mắc bệnh tiểu đường.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống cà phê ở mức vừa phải hàng ngày giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2 từ 8–54%. Một số nghiên cứu khác cho thấy uống trà và cà phê cũng cho hiệu quả tương tự ở những người quá cân.
Cà phê và trà có chứa các chất chống oxy hóa được gọi là polyphenol có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trà xanh có chứa một hợp chất chống oxy hóa độc đáo gọi là epigallocatechin gallate (EGCG) đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin.
8. Tập thể dục giúp phòng bệnh tiểu đường
Tập thể dục giúp các tế bào của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin và cơ thể sẽ cần ít insulin hơn để điều chỉnh lượng đường trong máu ở mức độ hợp lý. Hơn nữa, việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp cải thiện tác dụng và chức năng của insulin nếu bệnh nhân đốt hơn 2.000 calo mỗi tuần.
Một nghiên cứu thực hiện trên những bệnh nhân tiền tiểu đường chỉ ra rằng tập thể thao với cường độ nhẹ nhàng giúp tăng độ nhạy với insulin của tế bào lên 51%, tập thể thao cường độ mạnh giúp tăng tới 85%. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ xảy ra vào những ngày người đó tập thể dục.
Các bài tập như aerobic, tập thể hình cường độ cao và rèn luyện cơ bắp được chứng minh là có khả năng giảm kháng insulin và đường huyết ở bệnh nhân quá cân, béo phì và tiền tiểu đường. Bạn hãy chọn những hình thức tập luyện mình thích, có thể thực hiện thường xuyên và lâu dài.
9. Năng động hơn để phòng bệnh tiểu đường
Nếu bạn muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bạn nên tránh tình trạng để bản thân thụ động.
Nếu bạn không hoặc ít hoạt động thể chất và ngồi suốt ngày, điều này sẽ dẫn tới một lối sống ít vận động và làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Một phân tích của 47 nghiên cứu cho thấy rằng những người có lối sống ít vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 91%.
Thay đổi lối sống thụ động không hề khó. Bạn có thể làm những việc đơn giản như đứng lên, ra khỏi bàn và đi bộ trong vài phút mỗi giờ. Bạn cũng nên đặt ra mục tiêu thực tế, ví dụ như đứng lên khi nói chuyện trên điện thoại hoặc đi cầu thang thay vì đi thang máy.
10. Phòng bệnh tiểu đường bằng cách giảm cân
Phần lớn những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 là những người thừa cân hoặc béo phì. Hơn nữa, những người bị tiền tiểu đường có xu hướng tích mỡ thừa ở vùng bụng xung quanh những cơ quan nội tạng như gan. Chất béo này được gọi là chất béo nội tạng. Chất béo nội tạng dư thừa thúc đẩy tình trạng viêm và kháng insulin, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc tiểu đường.
Chỉ cần giảm một ký cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng càng giảm cân nhiều thì lợi ích đối với phòng ngừa tiểu đường càng lớn.
Một nghiên cứu tiến hành trên 1.000 người mắc tiền tiểu đường cho thấy cứ giảm 1kg thì nguy cơ mắc tiểu đường của bệnh nhân sẽ giảm 16%. Nếu có thể giảm trọng lượng cơ thể tới mức hợp lý, bệnh nhân có thể giảm tối đa 96% nguy cơ mắc tiểu đường.
Có nhiều lựa chọn lành mạnh để giảm cân như chế độ ăn ít tinh bột, chế độ ăn Địa Trung Hải, paleo và ăn chay. Tuy nhiên, bạn hãy chọn chế độ ăn bạn có thể gắn bó lâu dài để giúp bạn duy trì việc giảm cân.
11. Bỏ thuốc lá để phòng bệnh tiểu đường
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hút thuốc gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, ung thư phổi, vú, tuyến tiền liệt và đường tiêu hóa.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tới 44% ở những người hút thuốc ở mức trung bình và 61% ở những người hút hơn 20 điếu mỗi ngày. Những người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu trên những nam bệnh nhân tiểu đường cũng chỉ ra sau khi bỏ thuốc 5 năm, nguy cơ mắc tiểu đường của những người này giảm 13% và sau 20 năm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ tương đương với những người chưa từng hút thuốc.
12. Phòng bệnh tiểu đường bằng vitamin D
Vitamin D rất quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao.
Phần lớn các tổ chức về sức khỏe khuyên lượng vitamin D trong máu nên được duy trì ở mức 30 ng/ml (75 nmol/l). Những người có hàm lượng vitamin D trong máu cao sẽ giảm nguy cơ mắc tiểu đường tới 43%.
Khi những người bị thiếu hụt vitamin D uống bổ sung vitamin này, chức năng insulin trong các tế bào của họ được cải thiện, đường huyết cũng được duy trì ở mức lành mạnh và nguy cơ mắc tiểu đường giảm đáng kể. Trẻ em được cung cấp đầy đủ vitamin D cũng giảm 78% nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 so với những trẻ ít được bổ sung đủ vitamin D.
Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng các loại thức ăn giàu vitamin D như cá có nhiều mỡ, dầu oliu. Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ở những thời điểm phù hợp cũng rất có ích.
Đối với nhiều người, bổ sung 2.000-4.000 IU vitamin D mỗi ngày có thể cần thiết để duy trì mức tối ưu.
13. Sử dụng thảo dược
Một số loại thảo dược và khoáng chất có thể giúp tăng độ nhạy của tế bào với insulin và giảm khả năng tiến triển của bệnh tiểu đường.
Nghệ
Nghệ có màu vàng sáng, là một thành phần chính trong cà ri. Nghệ có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ và được sử dụng ở Ấn Độ trong nhiều năm như là một loại dược liệu.
Nghiên cứu cho thấy nghệ có thể giúp chống viêm khớp và có thể giúp làm giảm các dấu hiệu viêm ở những người bị tiền đái tháo đường. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng ấn tượng cho thấy nghệ có thể giảm tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ tiến triển bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu ở 240 người mắc tiền tiểu đường dùng 750 mg nghệ mỗi ngày cho thấy không có ai mắc tiểu đường trong khi tỷ lệ mắc là 16,4% ở nhóm không dùng nghệ.
Berberine
Berberine được tìm thấy trong một số loại thảo dược như vàng đắng, hoàng bá, hoàng liên chân gà… và đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc hàng ngàn năm.
Một số nghiên cứu ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã phát hiện ra rằng berberine có đặc tính hạ đường huyết rất mạnh. Trong 14 nghiên cứu đều cho thấy berberin có hiệu quả giúp hạ đường huyết tương đương với thuốc metformin, một loại thuốc sử dụng rộng dãi trong điều trị tiểu đường.
Berberine hoạt động theo cơ chế làm tăng độ nhạy với insulin và tác động vào gan làm hạn chế giải phóng đường. Do đó berberine có thể giúp ngăn ngừa mắc tiểu đường.
Một chế độ ăn lành mạnh, lối sống phù hợp và thường xuyên tập thể dục sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết và hàm lượng insulin ở mức độ phù hợp, giúp phòng tránh bệnh tiểu đường.