Vì sao ngành Kỹ thuật ô tô luôn “nóng”

Vì sao ngành Kỹ thuật ô tô luôn “nóng”

Nhu cầu xã hội hiện tại và trong tương lai đối với ngành kỹ thuật ô tô; Khi tốt nghiệp, có thể làm những công việc gì; Lựa chọn ngành này tại trường đại học nào thì phù hợp… là những thắc mắc của nhiều phụ huynh và học sinh.

“Nóng” về nhu cầu lao động

Tại Việt Nam, vận tải ô tô luôn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải quốc nội. Trong chiến lược công nghiệp hóa và xu hướng hội nhập, kỹ thuật ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn được chính phủ ưu tiên phát triển.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Công thương, định hướng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Với định hướng phát triển như trên, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kỹ thuật Ô tô đã tăng rất nhanh. Liên tục trong nhiều năm qua, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động của TP HCM đều đưa Kỹ thuật Ô tô vào danh mục các ngành “nóng” về nhu cầu lao động. Các tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc như BMW, Toyota, Honda, Ford, GM hay Kia, Huyndai,… tại Việt Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng hàng năm nhưng “nguồn” vẫn không đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam như VinFast, Trường Hải, Huyndai Thành Công đều có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.

Do đó, việc đào tạo đội ngũ kỹ sư ô tô tại Việt Nam đang trở nên cấp bách trước thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô và lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường tăng nhanh đáng kể.

Cơ hội việc làm cao

Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Ô tô đem lại nhiều cơ hội việc làm cũng như mức lương hấp dẫn. 100% sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm với mức lương phổ biến từ 10-20 triệu đồng/tháng. Với các kỹ sư được tuyển dụng sang làm việc tại Nhật Bản thì mức lương khởi điểm khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Các kỹ sư ngành Kỹ thuật ô tô có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau: kỹ sư vận hành, giám sát hệ thống tại các nhà máy sản xuất phụ tùng, linh kiện; các nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy; các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô và máy động lực; kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô; chuyên viên kỹ thuật tại các cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện giao thông đường bộ và công nghiệp ô tô; kỹ sư tư vấn, phát triển thị trường, quản lý kỹ thuật tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, phụ tùng ô tô hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kỹ sư thiết kế tại các phòng kỹ thuật, phòng nghiên cứu và phát triển,… của các nhà máy sản xuất, các tập đoàn trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.



Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!