Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Văn phòng

“Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng....cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Trong tình hình hiện nay, câu nói lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp Tết Nguyên đán năm 1950 khi Người đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, đó vừa là lời căn dặn sâu sắc, vừa là kim chỉ nam cho hành động trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Văn phòng nói chung và cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.

loi day cua CTHCM 1

Bác Hồ với cán bộ Văn phòng Trung ương. Ảnh internet

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Văn phòng” là bộ phận phụ trách công việc giấy tờ, hành chính trong một cơ quan, đơn vị và lâu nay trong xã hội vẫn thường quan niệm Văn phòng là cơ quan “bưng, bê, kê, đặt, quyền rơm vạ đá”, “làm dâu trăm họ”.... Nhưng thực tế cho thấy cách hiểu như vậy là chưa đủ, chưa thực sự thuyết phục và có phần “xem nhẹ” chức năng của cơ quan này. Là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty trong và ngoài nước…Văn phòng gắn liền với quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của cơ quan, đơn vị, có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Văn phòng không chỉ đơn thuần thực hiện các công việc giấy tờ, hành chính mà còn được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vừa giúp việc, tham mưu, vừa đôn đốc, kiểm tra; là “đầu mối công việc” được lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền “thừa lệnh” trong triển khai, giải quyết nhiều nội dung công việc quan trọng; hiệu quả hoạt động của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của toàn bộ cơ quan, đơn vị….

Có thể thấy rằng, có nhiều cách tiếp cận, nhiều định nghĩa về Văn phòng, nhưng chung nhất có thể nói: Văn phòng là bộ máy tham mưu, điều hành tổng hợp, đầu mối điều phối hoạt động của cơ quan, tổ chức; là trung tâm thu thập, xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo; là nơi chăm lo mọi lĩnh vực phục vụ quản trị, hậu cần bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động chung của cơ quan, tổ chức đó. Xuất phát từ thực tế, sự tồn tại của công tác Văn phòng là một yếu tố khách quan, có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, bởi vì Văn phòng là cơ quan tổng hợp, có những đóng góp đắc lực trong công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành. Nếu Văn phòng chỉ thiên về công tác hậu cầu sẽ là “Văn phòng yếu”.

Tại Hội nghị công tác Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước toàn quốc do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Hà Nội năm 2010, lúc đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đến dự và đặc biệt nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng cứ điều ai về làm Văn phòng cũng được và ai cũng làm Văn phòng được”, đó là nhận định rất đúng đắn, mang tính khái quát cao và là lời nhắc nhở sâu sắc tới lãnh đạo, cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành cần phải nâng cao nhận thức đúng đắn, toàn diện và có sự quan tâm đặc biệt tới vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng, chăm lo xây dựng tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác văn phòng, tạo điều kiện tốt nhất để Văn phòng phát huy tốt vai trò tham mưu. Tuy mỗi người được đào tạo một chuyên ngành khác nhau nhưng khi vào Văn phòng công tác, các cán bộ, chuyên viên phải tích cực học hỏi để có những hiểu biết tổng hợp về các ngành, lĩnh vực; luôn tự giác rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, vững vàng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trong hoạt động công vụ, luônquán triệt và bám sát nguyên tắc “kịp thời, chính xác và hiệu quả”, “nắm được tình hình” để dự báo chính xác, tham mưu đúng, trúng, sâu, toàn diện, tổng hợp giúp lãnh đạo cơ quan, tổ chức điều hành công việc.

Việc “nắm được tình hình” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu chính là tính nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp trong khả năng dự báo của cán bộ Văn phòng để nêu được những đề xuất đúng đắn trong hoạt động tham mưu, giúp việc cho các cấp lãnh đạo. Chức năng tham mưu - tổng hợp được thể hiện trong từng nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng quy định, quy chế và tổ chức làm việc theo quy định, quy chế; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, thông tin tổng hợp… Ngoài ra, Văn phòng còn có nhiệm vụ phục vụ các hoạt động hằng ngày như: Tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc của lãnh đạo, các hội nghị, các chuyến đi công tác của lãnh đạo, quản lý tài sản, vật chất... Hai chức năng tham mưu - tổng hợp và phục vụ có sự đan xen, có quan hệ mật thiết với nhau: Tham mưu là để phục vụ và trong phục vụ có sự tham mưu.

Hơn nữa, tham mưu không chỉ là đề xuất các chủ trương mà còn phải đưa ra được các giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp, khoa học, hiệu quả giúp lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh” và Bác cũng động viên cán bộ, công chức làm công tác tham mưu: Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được…Chính vì vậy, người làm nhiệm vụ tham mưu không đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo các cấp mà còn phải là người có bản lĩnh, có năng lực, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, thẳng thắng, nghiêm túc, chủ động, độc lập, thích ứng cao trong công việc, luôn cần cù, tỉ mỉ, thận trọng và có tính chuyên nghiệp, nguyên tắc cao; phải là người có khả năng chỉ đạo, điều phối công việc, có khả năng phân tích tổng hợp và nhạy bén với nhiệm vụ chính trị, có tư duy biện chứng, không định kiến, hẹp hòi, không bảo thủ, không cảm tính, vụ lợi; dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, không sợ cấp trên trù dập.

Bên cạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì cán bộ, công chức làm công tác Văn phòng phải biết bảo vệ bí mật Nhà nước. Nói về công tác này, Người nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, mất tập trung, phải tuyệt đối giữ gìn bí mật của cơ quan, tổ chức và của Đảng, Nhà nước. Trong bài “Phải giữ bí mật của Nhà nước” đăng trên Báo Nhân Dân, số 700, ngày 01/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”. Người nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước: “Vấn đề này, nhắc đi nhắc lại đã nhiều lần. Nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của ta, thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó, thì ta sẽ thắng”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này giữ bí mật: Chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sỹ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật. Như vậy, để giữ gìn những thành quả của cách mạng thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và cán bộ, công chức Nhà nước làm công tác Văn phòng nói riêng đều phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc việc giữ bí mật. Đây là công việc thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi và là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ của riêng ai.

Phát huy tinh thần: “Tham mưu là để phục vụ, trong phục vụ có tham mưu”, trải qua 35 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển vững mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ quan Văn phòng đã làm tốt vai trò là cơ quan ba chức năng: Văn phòng Ban Quản lý Lăng, Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Văn phòng Ban Chỉ đạo Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí, chức năng tham mưu - tổng hợp - phục vụ quan trọng đặc biệt của mình trong cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Để có được những kết quả đó là những đóng góp không nhỏ của các thế hệ tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ cơ quan Văn phòng đã quyết tâm phấn đấu, tích cực, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, trung thành, tận tụy, gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu và phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng bảo đảm tính thống nhất, kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Loi day cua CTHCM 2

Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng nhiệm kỳ 2015-2020

Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, phát huy những thành tích đã đạt được trong chặng đường 35 năm qua,phát huy truyền thống“Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của cơ quan Văn phòng phải thực sự thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục xây dựng ý chí quyết tâm, luôn đoàn kết, thống nhất, không ngừng đổi mới tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học và nâng cao năng lực công tác Văn phòng. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ trước mắt, lâu dài, thường xuyên của Đảng ủy, Chỉ huy cơ quan Văn phòng. Từ đó tạo thế và lực vững chắc giúp cơ quan Văn phòng vươn lên hoàn thành toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu thực hiện tốt nhất chức năng chủ động tham mưu, tổng hợp giỏi, phục vụ tốt, tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống Bộ đội Bảo vệ Lăng anh hùng, góp phần xây dựng cơ quan Văn phòng giữ vững thành tích là một trong các đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trong thời gian tới./.

Huyền Trang


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!