CẦN CÓ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ XỨNG ĐÁNG CHO NHÀ GIÁO

Ngày 20/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo - một luật lần đầu tiên được soạn thảo để xác định hoạt động của nhà giáo, các quyền hạn và nghĩa vụ, chế độ khen thưởng và đãi ngộ với những người trực tiếp làm công tác trồng người cho xã hội. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tập trung thảo luận về chế độ đãi ngộ xứng đáng với các nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo là người “có giấy phép hành nghề và làm nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy”. Giấy phép hành nghề thể hiện nhà giáo được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo chế độ đãi ngộ cho nhà giáo khi thuyên chuyển giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, đồng thời đảm bảo chất lượng giảng dạy với người học. Tuy nhiên, quy định này gây lo ngại về việc phát sinh giấy phép con và không khả thi ở 1 trường hợp như chuyên gia giảng dạy.
Bên cạnh đòi hỏi chuẩn mực cao hơn với nhà giáo, dự thảo Luật lần này cũng góp phần đảm bảo chế độ đãi ngộ với nhà giáo. Cụ thể, Chương 5 đã thể chế hóa tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ Chính trị là tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương của Nhà nước.
Dự thảo Luật dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Sắp tới, Ủy ban sẽ tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước với nhà giáo, cũng như rà soát sự thống nhất của luật này với các văn bản pháp luật khác.


Chia sẻFacebook! Twitter! Zingme!