Cán cân Kinh tế - Ngoại ngữ, đâu mới thực sự là ngành đa dạng chủng loại nghề nghiệp nhất?
Các ngành liên quan đến ngôn ngữ Anh
Trong thời buổi toàn cầu hóa, tiếng Anh trở nên cần thiết trong mọi ngành nghề. Với tấm bằng ngôn ngữ Anh trong tay, bạn sẽ rất có lợi khi tìm kiếm các cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn.
Ngành biên - phiên dịch
Là một người làm việc trong lĩnh vực biên - phiên dịch, bạn cần thành thạo cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Nếu bạn là một người mạnh về ngôn ngữ nói thì hãy ứng tuyển vị trí phiên dịch viên tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia, các dự án và tổ chức quốc tế như UN, UNICEF, các tổ chức chính phủ như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán... Ngoài ra, môi trường làm việc của ngành này cũng rất linh hoạt, đa dạng và thuộc top ngành nghề có mức lương cao nhất.
Ngược lại, công việc của biên dịch viên lại liên quan đến dịch văn bản, sách báo, tiểu thuyết… Để làm tốt công việc này,bạn cần có khả năng ngôn ngữ viết linh hoạt, gồm cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để đảm bảo bản dịch được truyền tải một cách rõ ràng, súc tích và chính xác nhất so với ngôn ngữ gốc.
Khi làm biên - phiên dịch, bạn cũng cần hiểu rõ về lĩnh vực mà mình đang làm việc như công nghệ, kinh tế, chính trị… và tuân theo các quy tắc nghề nghiệp nghiêm ngặt của một dịch giả. Có thể thấy, đây là một ngành nghề rất khắt khe và cần một quá trình mài dũa dày công tôi luyện cả về nghiệp vụ lẫn tố chất con người.
Ngành biên -phiên dịch được nhiều sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh lựa chọn
Ngành sư phạm
Nếu bạn phân vân không biết học Ngôn ngữ Anh có thể trở thành giáo viên được không thì câu trả lời là có! Để trở thành giáo viên, sinh viên cần thi thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, học Ngôn ngữ Anh cũng là bước đệm tốt để bạn phát triển kiến thức cũng như kỹ năng sư phạm cần thiết.
Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bạn có thể ứng tuyển làm giáo viên tiếng Anh tại các trường học hoặc trung tâm tiếng Anh trên toàn quốc. Ngoài ra, bạn có thể học thêm bằng thạc sĩ chuyên ngành của mình để ứng tuyển làm giảng viên tại các trường đại học.
Ngành du lịch
Du lịch cũng là một trong các ngành liên quan đến Ngôn ngữ Anh mà các bạn trẻ có thể lựa chọn làm việc. Trở thành chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch quốc tế hoặc hướng dẫn viên du lịch cũng là lựa chọn lý tưởng dành cho các bạn trẻ theo học ngành Ngôn ngữ Anh.
Bên cạnh khả năng ngôn ngữ, hướng dẫn viên du lịch cần sở hữu nhiều kỹ năng khác như kỹ năng đàm phán, ứng biến, sắp xếp thời gian cùng một vốn kiến thức lịch sử và địa lý đủ rộng. Dù yêu cầu của ngành nghề này tương đối khắt khe nhưng bù lại, lương của hướng dẫn viên du lịch khá cao.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh trở thành hướng dẫn viên du lịch sau khi tốt nghiệp
Ngành nhân sự, tuyển dụng
Nếu bạn yêu thích những công việc liên quan đến con người thì nhân sự, tuyển dụng là một trong các ngành liên quan đến Ngôn ngữ Anh mà bạn có thể lựa chọn. Để làm việc trong lĩnh vực này, bạn cần có kỹ năng giao tiếp và đàm phán khi gặp ứng viên. Bởi bạn là người đại diện cho công ty, đại diện công ty đem đến ấn tượng ban đầu cho từng ứng viên.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ rất có lợi thế khi làm việc trong ngành nhân sự, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn tổ chức các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh. Ngoài ra, người học ngôn ngữ sẽ có sự nhạy cảm nhất định về tâm lý con người cùng các sắc thái từ ngữ. Đây chính là yếu tố giúp bạn thăng tiến trở thành một quản lý nhân sự trong tương lai.
Ngành tài chính, kinh doanh
Ngành Ngôn ngữ Anh trong các trường đại học được chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó chuyên ngành Tiếng Anh thương mại sẽ giúp bạn theo đuổi các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, tài chính, kế toán. Khi theo đuổi lĩnh vực này, bạn cần giao tiếp và trao đổi với các đối tác nước ngoài. Kỹ năng đọc hiểu tài liệu, báo cáo tiếng Anh mà sinh viên Ngôn ngữ Anh sở hữu cũng rất hữu dụng trong những vị trí công việc này.
Những ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, tài chính luôn có cơ hội việc làm rộng mở. Tuy nhiên, cơ hội cạnh tranh việc làm cũng vô cùng lớn. Để tăng cơ hội trúng tuyển, ngoài việc trau dồi ngoại ngữ, bạn cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp cùng những hiểu biết về kinh doanh, tài chính, kinh tế.
Sinh viên chuyên ngành tiếng Anh thương mại ứng tuyển vào công việc thuộc lĩnh vực tài chính, kinh doanh
Mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh
Các ngành nghề liên quan đến Ngôn ngữ Anh rất khát nhân lực, đặc biệt biệt với các bạn trẻ có kỹ năng tốt, trình độ thông thạo Ngôn ngữ cao, có tham vọng cầu tiến và dung nhập được văn hóa làm việc nước ngoài. Chính vì vậy, mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh mà các công ty, doanh nghiệp trả cho sinh viên vừa ra trường rất hấp dẫn, trung bình từ 400 - 700 USD/tháng (khoảng 9 - 15 triệu đồng), thậm chí là từ 30-80$/h đối với các bạn phiên dịch viên chuyên nghiệp. Đối với các vị trí cao cấp hoặc tại các công ty toàn cầu, mức lương này có thể nâng lên 1000 USD/tháng (khoảng 22 triệu đồng), thậm chí cao hơn nữa nếu bạn có đủ năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm làm việc.
Mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh cao hơn so với nhiều ngành khác
Có thể thấy, các ngành liên quan đến Ngôn ngữ Anh luôn mở rộng cơ hội việc làm. Chính vì vậy, lựa chọn môi trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh chất lượng là cách để bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân.
Các ngành liên quan đến kinh tế
Trong ngân hàng
Làm việc trong ngân hàng là lựa chọn rất phổ biến đối với sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế. Lĩnh vực này mang lại thu nhập hấp dẫn và đang có nhu cầu cao về chuyên gia kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp có nền tảng về kinh tế được các ngân hàng đánh giá rất cao.
Đặc biệt là các vị trí về kiểm soát tài chính, lập kế hoạch tài chính, phân tích rủi ro, phân tích dữ liệu và tư vấn. Với trọng tâm là giữ cho các yêu cầu tài chính của khách hàng và doanh nghiệp đi đúng hướng, nhân sự chuyên về kinh tế chủ yếu quan tâm đến việc tư vấn và cung cấp dịch vụ cho khách hàng của ngân hàng.
Phân tích, nghiên cứu thị trường
Là một vị trí phổ biến khác dành cho sinh viên kinh tế mới ra trường. Các nhà phân tích nghiên cứu thị trường khai thác kiến thức về xu hướng của ngành để đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ có thể tăng hoặc giảm như thế nào trong các điều kiện kinh tế khác nhau. Họ được đào tạo để thiết kế các nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, họ phải có khả năng định lượng kết quả và trình bày thông tin này cho khách hàng.
Các nhà phân tích này áp dụng nhiều kỹ năng mà sinh viên chuyên ngành kinh tế được đào tạo. Chẳng hạn như sử dụng phần mềm trình bày và biểu diễn đồ họa, cũng như kỹ năng viết và thống kê. Họ phải suy nghĩ thấu đáo về các sản phẩm, dịch vụ và thành thạo trong việc giải quyết các vấn đề.
Sinh viên chuyên ngành kinh tế có thể trở thành nhà phân tích thị trường
Nghiên cứu, giảng dạy
Ngoài hai công việc kể trên, bạn cũng có thể tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy ở các bộ môn kinh tế. Ngành kinh tế học rất rộng lớn, mọi thứ đều có sự hiện diện của yếu tố kinh tế. Các lĩnh vực nghiên cứu của ngành kinh tế có thể được chia thành hai, tức là giảng dạy và nghiên cứu.
Việc giảng dạy có thể bắt nguồn từ các trường trung học đến cao đẳng. Ở mức độ nghiên cứu, đây là nơi các giáo sư giàu kinh nghiệm của các trường cao đẳng và đại học danh giá hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh nghiên cứu các khái niệm và phương pháp kinh tế khác nhau cũng như các ứng dụng của nó.
Chuỗi cung ứng
Các sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế cũng có thể làm việc trong lĩnh vực cung ứng và Logistics. Nhà phân tích chuỗi cung ứng là người chủ chốt trong toàn bộ quy trình làm việc của chuỗi cung ứng. Họ là người thu thập và phân tích dữ liệu để cải thiện hiệu quả và giảm thiểu chi phí.
Vai trò của một nhà phân tích chuỗi cung ứng đòi hỏi kỹ năng phân tích mạnh mẽ và sự nhạy bén trong kinh doanh. Mức độ công việc phức tạp đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề tốt và chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Một nhà phân tích phụ trách việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án tối ưu hóa chuỗi cung ứng, duy trì các tiêu chuẩn và giám sát các thủ tục kiểm kê.
Tư vấn, cố vấn tài chính
Trở thành nhân viên tư vấn, cố vấn tài chính là mơ ước của nhiều sinh viên kinh tế. Các nhà tư vấn kinh tế sử dụng các kỹ năng phân tích và nghiên cứu để thực hiện các nghiên cứu liên quan đến các kịch bản kinh tế. Họ phân tích các xu hướng của ngành để giúp các tổ chức cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Họ có thể làm việc cho các tổ chức trong nhiều ngành khác nhau, bao gồm kinh doanh, tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chính phủ, v.v. Các nhà tư vấn kinh tế cũng có thể đóng vai trò là nhân chứng chuyên môn trong các vụ án pháp lý để đánh giá thiệt hại kinh tế, phân tích các vi phạm về sở hữu trí tuệ và chống độc quyền.
Kế toán, kiểm toán
Để trở thành một kế toán viên đủ điều kiện, bạn sẽ cần thêm nhiều chứng chỉ chuyên môn. Tuy niên, nhiều vai trò kế toán dành cho những người có nền tảng tốt về kinh tế học. Trong vai trò kế toán, bạn có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ cốt lõi của nhân viên kế toán là tập trung vào việc giám sát tình hình tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân.
Nghề kế toán thường tập trung vào việc ghi chép, phân loại và truyền đạt dữ liệu tài chính. Vị trí này đòi hỏi kỹ năng phân tích mạnh mẽ, trình độ toán học, trình độ tin học, sự hiểu biết về tất cả các yếu tố tài chính của công ty và khả năng bối cảnh hóa dữ liệu thu thập được.
Cơ sở nhà nước
Một lĩnh vực mà sinh viên kinh tế có thể cân nhắc chính là nhà nước hay dịch vụ công. Những người nghiên cứu kinh tế sẽ được đánh giá cao trong tất cả các lĩnh vực chi tiêu công và tư. Bao gồm các vai trò trong định giá và phân tích rủi ro, tư vấn tài chính và lập kế hoạch kinh tế.
Các nhà kinh tế ở lĩnh vực công thường liên quan đến thuế, vận tải, dịch vụ thương mại và chất thải. Ngoài ra, họ còn có cơ hội làm việc trong mảng năng lượng và các hình thức chi tiêu khác của chính phủ.
Sinh viên kinh tế có thể trở thành tư vấn viên tài chính khi ra trường
Cơ hội làm việc trái ngành của sinh viên kinh tế tại Việt Nam
Với nền tảng kinh tế học, bạn có thể tham gia vào hầu hết các lĩnh vực. Các nghề nghiệp và vai trò kinh tế học thông thường khác bao gồm kiểm toán viên, môi giới chứng khoán, công ty bảo hiểm, giám đốc kinh doanh, nhà kinh doanh bán lẻ, nhà phân tích giá cả, nhà thống kê, nhà tư vấn tài chính và nhân viên bán hàng. Trở thành businessman, tự vận hành mô hình kinh doanh của chính mình cũng là một lựa chọn cho những bạn trẻ theo đuổi ngành Kinh tế và có đam mê kinh doanh.
Nhưng bạn có thể làm gì với bằng kinh tế nếu không có vị trí nào ở trên hấp dẫn bạn? Bạn cũng có thể xem xét các lựa chọn rộng hơn: trí tuệ kinh doanh, phát triển quốc tế, quản lý nguồn nhân lực, CNTT, báo chí, luật, quản lý, nghiên cứu thị trường, chính trị, quan hệ công chúng, nghiên cứu xã hội và thuế. Hoặc, bạn thậm chí có thể trở thành một doanh nhân và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình!
Khái quát về mức lương, đãi ngộ của ngành kinh tế tại Việt Nam
Như mọi ngành nghề khác, mức lương và đãi ngộ của mỗi cá nhân sẽ tương ứng với năng lực và kinh nghiệm của họ. Ngành kinh tế cũng không ngoại lệ. Một số yếu tố ảnh hưởng đến lương của bạn bao gồm năng lực chuyên môn, ngoại ngữ cũng như khả năng không ngừng học hỏi để phát triển bản thân. Để có mức thu nhập lí tưởng, bạn cần tích cực nâng cao nghiệp vụ, tích luỹ kiến thức và nhạy bén với thị trường.
Tại Việt Nam, mức lương trung bình của một nhân viên chuyên về mảng kinh tế dao động từ 8 – 20 triệu đồng/tháng. Đối với sinh viên mới ra trường, mức lương thực tế khoảng từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Nếu bạn là một sinh viên xuất sắc với nhiều kinh nghiệm làm việc trong quá trình học, mức lương khởi điểm của bạn có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng.
Kết luận
Dù là Kinh tế hay Ngoại ngữ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng điếm chung của hai ngành nghề trên chính là sự năng động không ngừng nghỉ và không bị trói buộc bởi bất kỳ nơi chốn ao tù nước đọng nào. Bởi vì học Kinh tế Ngoại ngữ, chúng ta biết về thế giới bên ngoài, khao khát nó, dung nhập nó, hướng về nó. Và những nỗ lực của chúng ta cũng chẳng bao giờ uổng phí hay bị những bất công thế hệ chèn ép, bạn bỏ ra bao nhiêu, bạn sẽ nhận về được bấy nhiêu, bởi vì một sự thật hiển nhiên là UN sẽ chẳng tuyển một nhân viên dở ngoại ngữ về làm việc, và IFC cũng sẽ không tuyển một nhân viên chuyên môn chẳng biết gì về tài chính. Chỉ cần bạn đủ nỗ lực và lòng kiên trì không từ bỏ, dù là đến từ thành thị nhà cao cửa rộng hay nhà tranh ngói dột, đều sẽ được sải cánh bay cao.
Việc chọn ngành nghề học tập trong tương lai luôn là vấn đề nan giải đối với các bạn học sinh mới vừa tốt nghiệp cấp ba chập chững bước vào đời. Để chọn được ngành nghề phù hợp, các bạn luôn phải cân nhắc ba yếu tố: năng lực của bản thân, sự yêu thích và mức tài chính cá nhân có thể chi trả được. Và dù chọn bất kỳ ngành nghề nào, hãy cố gắng biến những năm tháng tại giảng đường thành hành trang quý báu nhất, thành món lợi khí sắc bén nhất hướng ra một thế giới rộng lớn hơn, cao xa hơn.
Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!